Chốt phiên 26/2, giá dầu Brent giao tháng 4, hợp đồng đáo hạn ngày 26/2, giảm 75 cent, tương đương 1,1%, xuống 66,13 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 5 giảm 1,69 USD xuống 64,42 USD/thùng.
Giá dầu WTI tương lai giảm 2,03 USD, tương đương 3,2%, xuống 61,5 USD/thùng.
Chốt tuần trước, giá dầu Brent tăng 4,8%, giá dầu WTI tăng 3,8% và cả hai tăng khoảng 18% trong tháng 2. Đây là tháng tăng thứ tư liên tiếp của thị trường dầu.
Giá dầu giảm trong ngày thứ Sáu khi giá trái phiếu giảm mạnh dẫn tới đà tăng của đồng USD và dự đoán rằng với việc giá dầu vượt qua các mốc trước đại dịch, nguồn cung trên thị trường có thể tăng trở lại.
“Trong phiên giao dịch sáng ngày thứ Sáu, trái phiếu bị bán ra ồ ạt còn đồng đôla thì ổn định. Điều đó mang đến một chút trở ngại cho giá dầu”, Lachlan Shaw, Trưởng ban nghiên cứu hàng hóa của National Australia Bank, nhận định. Đồng bạc xanh tăng giá khiến cho việc mua dầu thô bằng những đồng tiền khác trở nên đắt đỏ hơn.
Giá dầu thô của Mỹ cũng gặp trở ngại do sự gián đoạn trong hoạt động lọc dầu sau khi một vài nhà máy lọc dầu tại Gulf Coast phải đóng cửa do bão tuyết vào tuần trước. Một ngày có khoảng 4 triệu thùng dầu bị ngưng sản xuất. Có thể tới ngày 5/3 thì các nhà máy mới khôi phục lại được và cũng có nguy cơ sẽ trễ hơn nữa, các nhà phân tích của JP Morgan chia sẻ trong báo cáo tuần.
OPEC+ dự kiến họp ngày 4/3 để thiết lập sản lượng cho tháng 4. Cuộc gặp hồi tháng 2 kết thúc với việc cho phép Nga và Kazakhstan tăng sản lượng còn Arab Saudi tự nguyện giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày trong tháng 2 và 3.
Bloomberg hồi đầu tuần trước đưa tin Arab Saudi muốn các nước thành viên “cực kỳ thận trọng”, dù giá dầu đã phục hồi về đỉnh một năm. Riyadh muốn OPEC+ nói chung giữ sản lượng ổn định còn Moscow vẫn tỏ ý chọn phương án tăng nguồn cung.
Một số nhà phân tích lạc quan rằng giá dầu sẽ vượt qua được ảnh hưởng từ cuộc họp lần này của OPEC+.
“Để dừng và đảo ngược đà tăng của thị trường dầu, tôi nghĩ sản lượng cần tăng nhiều triệu thùng/ngày”, Patrick de Haan nhà phân tích tại GasBuddy. “Với lực cầu đang phục hồi, tôi cảm giác con số đó là 2 triệu thùng/ngày”.
Theo cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA), tồn kho dầu thô tại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 19/2 tăng 1,3 triệu thùng, trái với kỳ vọng giảm 4,8 triệu thùng từ giới phân tích.
Trong khi đó, các công ty năng lượng Mỹ tuần trước triển khai thêm 5 giàn khoan, nâng tổng số giàn khoan đang hoạt động lên 402.