Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tổng hợp thị trường dầu thô thế giới tuần 06/2025

Giá dầu thế giới ghi nhận tuần giảm thứ ba liên tiếp trong bối cảnh cuộc chiến thương mại tiềm ẩn giữa Mỹ và Trung Quốc.

Trong khi chính sách “Hãy khoan, khoan nào” của Tổng thống Mỹ Donald Trump bị gạt sang một bên bởi cuộc họp của các giám đốc điều hành công ty dầu mỏ Mỹ tại Houston, ông Trump đã nhắc lại lời cam kết sẽ tăng sản lượng của Mỹ, vốn đã ở mức cao nhất thế giới, nhằm mục đích hạ giá dầu và giảm lạm phát tiêu dùng.

Trong tuần trước, cả dầu Brent và WTI đều có một số phiên tăng giá (phiên đầu tiên và phiên cuối cùng của tuần), nhưng mức tăng khá khiêm tốn. Giá dầu đã có phiên giao dịch trái chiều ở phiên giao dịch thứ 2 của tuần với mức tăng, giảm tối đa 46 cent. Đáng chú ý là trong phiên giao dịch này, giá dầu có thời điểm trượt dốc tới 3%.

Trong 2 phiên giao dịch giữa tuần, giá dầu giảm gần 3%, chịu áp lực bởi mức thuế 10% Mỹ áp dụng đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 04/02 khiến Bắc Kinh cũng áp thuế đáp trả. Theo nhà phân tích thị trường cấp cao Kelvin Wong tại OANDA, các biện pháp trả đũa từ Trung Quốc có thể không chỉ dừng lại ở mức thuế 10% đối với dầu thô từ Mỹ, mà còn có thể là nỗ lực cố ý làm suy yếu đồng nhân dân tệ nếu Mỹ đáp trả bằng cách áp thêm thuế đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang nước này.

Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể làm giảm nhu cầu dầu, gây thêm áp lực lên giá dầu.

Giá dầu giảm còn bởi mức tồn kho xăng, dầu của Mỹ tăng. Theo Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) , trong tuần kết thúc vào ngày 31/01, tồn kho dầu của Mỹ tăng 8,7 triệu thùng, cao hơn rất nhiều lần so với dự kiến của các nhà phân tích; tồn kho xăng tăng 2,2 triệu thùng.

Cũng trong tuần trước, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) đã quyết định duy trì chính sách tăng dần sản lượng dầu từ tháng 4. Ngoài ra, OPEC+ cũng loại EIA khỏi các nguồn được sử dụng để giám sát sản lượng và việc tuân thủ các hiệp ước cung cấp dầu.

Cũng trong tuần trước, Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với một số cá nhân và tàu chở dầu bị cáo buộc đã giúp Tehran vận chuyển hàng triệu thùng dầu thô của Iran đến Trung Quốc mỗi năm, phù hợp với cam kết của Tổng thống Trump về việc "gây sức ép tối đa lên Iran" và giảm lượng xuất khẩu của nước này.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, dầu thô WTI ở mức 71,06 USD/thùng, tăng 0,39 USD/thùng, tương ứng tăng 0,55%. Dầu Brent ở mức 74,69 USD/thùng, tăng 0,37 USD/thùng, tương ứng tăng 0,50%.

Trong ngắn hạn, các nhà phân tích nhận định, thị trường dầu mỏ có thể sẽ tiếp tục biến động khi hoạt động thương mại toàn cầu chịu áp lực bởi các quyết định thay đổi nhanh chóng của người đứng đầu Nhà Trắng về thuế quan và lệnh trừng phạt.