Giá dầu chốt phiên thứ Sáu gần mức cao nhất kể từ cuối năm 2014, khi đà sụt giảm của đồng USD giúp giá dầu leo dốc trong tuần qua, cùng với sự lạc quan rằng những cắt giảm của OPEC và Nga sẽ tiếp tục rút bớt lượng dầu thừa trên thị trường.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 3 trên sàn Nymex tiến 63 xu (tương đương 1%) lên 66.14 USD/thùng, mức đóng cửa cao nhất trong hơn 3 năm. Tuần qua, hợp đồng này đã vọt 4.5%, đồng thời ghi nhận tuần tăng giá thứ 5 trong 6 tuần qua.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 3 trên sàn Luân Đôn nhích 10 xu (tương đương 0.1%) lên 70.52 USD/thùng, qua đó nâng tổng mức tăng trong tuần lên 2.8%.
Rào cản tiềm ẩn duy nhất trên thị trường năng lượng hiện nay là đà tăng đột ngột của sản lượng dầu tại Mỹ, vốn có thể một lần nữa gây sức ép lên giá các hợp đồng tương lai như nó đã làm trong nửa đầu năm 2016.
Theo báo cáo từ EIA, sản lượng tại Mỹ đang tiến gần mốc kỷ lục 10 triệu thùng/ngày.
Hôm thứ Sáu, theo dữ liệu từ Baker Hughes cho biết số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ tăng thêm 12 giàn lên 759 giàn trong tuần trước đó. Được biết, số giàn khoan đã giảm trong 5 tuần trước đó.
Trong khi đó, đồng USD sụt giảm trong ngày thứ Sáu khi các nhà đầu tư cân nhắc tới những tuyên bố trái chiều đến từ Chính quyền Mỹ. Đồng USD suy yếu thường có mối quan hệ ngược chiều với các hàng hóa được neo giá theo đồng bạc xanh, như dầu.
Trong tuần này, thị trường tiếp tục theo dõi dữ liệu dầu thô và các sản phẩm lọc hóa dầu của Mỹ được công bố vào thứ Ba và thứ Tư nhằm đánh giá nhu cầu của thị trường tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới.
Một số sự kiện được cho là sẽ ảnh hưởng tới giá dầu trong tuần này:
Thứ Ba (30/1)
Viện Dầu khí Mỹ công bố báo cáo nguồn cung dầu thô hàng tuần.
Thứ Tư (31/1)
Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ công bố báo cáo trữ lượng xăng và dầu của Mỹ.
Thứ Năm (01/02)
Chính phủ Mỹ công bố báo cáo hàng tháng về trữ lượng khí gas.
Thứ Sáu (02/02)
Baker Hughes công bố dữ liệu hàng tuần về số lượng giàn khoan Mỹ.