Giá dầu tuần qua tiếp tục ghi nhận thêm một tuần leo dốc với mức tăng khiêm tốn hơn. Giá dầu Brent tăng 1,3% và dầu WTI tăng 1,7%.
Yếu tố chính hỗ trợ giá dầu duy trì đà tăng trong tuần trước là tác động của gói trừng phạt mới của Mỹ nhắm vào tàu chở dầu và các nhà sản xuất dầu của Nga, cùng với đó là tồn kho dầu của Mỹ giảm.
Ngay phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá dầu tăng khoảng 2%, lên mức cao nhất trong 4 tháng, do tác động của lệnh trừng phạt của Mỹ đối với dầu mỏ của Nga, buộc người mua ở Ấn Độ và Trung Quốc phải tìm kiếm các nhà cung cấp mới cũng như lo ngại nguồn cung thắt chặt.
Hai tuần trước, chính quyền của Tổng thống Mỹ Biden công bố lệnh trừng phạt nhằm vào các nhà sản xuất và tàu chở dầu của Nga. Nhà đầu tư cũng đang xem xét tác động từ việc Tổng thống đắc cử Donald Trump trở lại Nhà Trắng, khi người được ông chọn làm Bộ trưởng Tài chính tuyên bố sẽ áp đặt lệnh trừng phạt cứng rắn hơn.
Tuy nhiên, với báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy, nhu cầu dầu của Mỹ sẽ vẫn ổn định ở mức 20,5 triệu thùng/ngày trong năm nay và năm sau; sản lượng dầu của Mỹ tăng thêm 0,03 triệu thùng, lên 13,55 triệu thùng/ngày trong năm 2025, đã đẩy giá dầu quay đầu giảm hơn 1 USD trong phiên giao dịch thứ hai của tuần.
Song, một lần nữa, tồn kho dầu của Mỹ giảm mạnh và nguy cơ gián đoạn nguồn cung do lệnh trừng phạt mới của Mỹ đối với Nga đã hỗ trợ giá dầu bật tăng hơn 2% ở phiên giao dịch thứ ba của tuần. Theo EIA, tồn kho dầu của Mỹ giảm thêm 2 triệu thùng, xuống còn 412,7 triệu thùng - mức thấp nhất kể từ tháng 4/2022. Hạn chế đà tăng trong phiên này là mức tồn kho xăng và sản phẩm chưng cất của Mỹ tăng nhiều hơn dự kiến, đặc biệt là thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza giữa Israel và Hamas.
Khả năng lực lượng Houthi ở Yemen sẽ ngừng các cuộc tấn công vào các tàu trên Biển Đỏ sau thỏa thuận ngừng bắn Israel - Hamas, đã đẩy giá dầu bốc hơi giảm trong 2 phiên giao dịch cuối cùng của tuần, với dầu Brent giảm 1,24 USD, dầu WTI giảm 2,16 USD.
Mặc dù trong 5 phiên giao dịch, giá dầu giảm tới 3 phiên, nhưng mức giảm không sâu, nên 2 phiên tăng giá đủ để bù đắp lại. Chốt tuần, giá dầu Brent ở mốc 80,85 USD/thùng, giá dầu WTI lên 78,02 USD/thùng.
Trong tuần trước, có một số dữ liệu kinh tế đáng chú ý của Mỹ và Trung Quốc.
Theo Reuters, Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới, đã đạt được tham vọng tăng trưởng 5% trong năm 2024. Tuy nhiên, năm 2024 cũng là năm chứng kiến sản lượng lọc dầu của Trung Quốc giảm lần đầu tiên sau hơn 2 thập kỷ, ngoại trừ năm đại dịch 2022. Sự sụt giảm này là do các nhà máy phải giảm hoạt động để ứng phó với nhu cầu nhiên liệu thấp và biên lợi nhuận giảm.
Về phía Mỹ, trong khi doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng 12/2024 tăng, cho thấy nhu cầu mạnh mẽ ở nước này, chỉ số giá tiêu dùng (PCI) cốt lõi - thước đo lạm phát cơ bản - tăng ít hơn dự kiến, làm gia tăng kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất một vài lần trong năm nay.