Kết thúc phiên 15/1, giá dầu Brent giảm 1,32 USD, tương đương 2,3%, xuống 55,1 USD/thùng. Giá dầu WTI giảm 1,21 USD, tương đương 2,3%, xuống 52,36 USD/thùng, ngày giảm mạnh nhất kể từ 18/12. Chốt tuần trước, giá dầu Brent giảm 1,6%, WTI giảm 0,4%, tuần giảm đầu tiên trong 3 tuần gần đây.
Thị trường dầu đi xuống cùng với chứng khoán Mỹ ngày 15/1 sau hàng loạt số tiêu cực trong tháng 12, từ doanh số bán lẻ đến chỉ số giá sản xuất, hoạt động sản xuất, tâm lý tiêu dùng.
Tổng thống đắc cử Joe Biden trong tuần trước công bố chi tiết gói hỗ trợ kinh tế Mỹ 1.900 tỷ USD. Ông từng nêu rõ có ý định triển khai một số gói kích thích, cho thấy ngân sách dưới thời chính quyền mới có thể thâm hụt đáng kể.
Trong khi đó, chủ tịch Fed Jerome Powell đã bác đồn đoán ngân hàng trung ương Mỹ sắp dừng chính sách tiền tệ nới lỏng. Ông phát đi những thông điệp trái chiều tới nhà đầu tư, nói “còn nhiều lý do để lạc quan vào kinh tế Mỹ” và nền kinh tế số một thế giới “có thể sớm quay trở lại đỉnh cũ”.
Biden sẽ tuyên thệ nhậm chức ngày 20/1 và có thể xuất hiện bất ổn. Sự kiện chính trị tiếp theo cần chú ý là quá trình luận tội Tổng thống Donald Trump. Giới phân tích nhận định khả năng xảy ra bất ổn thấp.
Ngoài ra, Janet Yellen, cựu chủ tịch Fed, có thể được phê chuẩn là Bộ trưởng Tài chính Mỹ trong phiên điều trần ngày 19/1.
Ngoài ra, thị trường năng lượng còn chịu sức ép từ việc USD tăng giá, khiến dầu trở nên đắt hơn đối với những nhà đầu tư không nắm giữ đồng bạc xanh, ảnh hưởng đến lực cầu.
Đồng đô la Mỹ tăng và các tài sản rủi ro hơn giảm vào thứ Sáu, khi Tổng thống đắc cử Joe Biden đưa ra kế hoạch kích thích trị giá 1,9 nghìn tỷ đô la bị khỏa lấp bởi căng thẳng Mỹ-Trung mới và sự gia tăng lây nhiễm COVID-19 ở Trung Quốc. Động thái này đã giúp đồng bạc xanh đạt mức tăng hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 11 năm 2020, với sự phục hồi gần đây từ mức thấp nhất trong ba năm.
Sự sụt giảm kéo dài gần hai tháng của đồng đô la Mỹ là một trong những chất xúc tác đằng sau sự tăng giá mạnh mẽ của dầu thô kể từ cuối tháng 10, do đó, đồng đô la mạnh hơn sẽ là một trong những yếu tố khuyến khích những người đầu cơ giá lên giảm bớt vị thế mua vào ở mức giá hiện tại.
Trung Quốc ngày 15/1 phong tỏa một số thành phố sau khi ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 hàng ngày cao nhất hơn 10 tháng, có ca tử vong đầu tiên vì đại dịch kể từ tháng 5/2020.
“Sự lây lan của đại dịch Covid-19 một lần nữa là tiêu điểm chú ý. Các nhà giao dịch đang ngày càng lo ngại về đợt phong tỏa kéo dài ở châu Âu và những hạn chế xã hội mới ở Trung Quốc”, ông Bjornar Tonnage tại Rystad Energy nói. “Thị trường có cấu trúc giá lên nhưng có vẻ đang đi trước quá xa so với các yếu tố cơ bản”.
Trong khi đó, tồn kho dầu thô tại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 8/1 giảm 3,2 triệu thùng, tuần giảm thứ 5 liên tiếp, vượt kỳ vọng giảm 2,3 triệu thùng từ giới phân tích do các nhà máy lọc dầu tăng công suất hoạt động, Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết.
Tuy nhiên, tồn kho xăng lại tăng 4,395 triệu thùng, vượt dự báo tăng 2,69 triệu thùng. Tồn kho sản phẩm tinh chế cũng tăng 4,786 triệu thùng, vượt dự báo tăng 2,67 triệu thùng.
Trong khi đó, các công ty khoan dầu của Mỹ tiếp tục bổ sung thêm giàn khoan để tận dụng lợi thế của giá cao hơn và OPEC + sẵn sàng từ bỏ thị phần. Cụ thể, các công ty năng lượng Mỹ trong tuần trước triển khai thêm 13 giàn khoan dầu và khí, theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes.
Dưới đây là một số sự kiện có thể ảnh hưởng giá dầu trong tuần.
Ngày 18/1
Thị trường Mỹ nghỉ lễ ngày Martin Luther King.
Ngày 19/1
Viện dầu mỏ Mỹ (API) ước tính số liệu tồn kho hàng tuần.
Ngày 20/1
EIA cập nhật số liệu tồn kho dầu thô, xăng, sản phẩm tinh chế.
Ngày 22/1
Baker Hughes cập nhật số giàn khoan dầu tại Mỹ.