Giá dầu đã đánh dấu sự khởi đầu năm mới bằng tuần giảm đầu tiên. Cả dầu Brent và WTI đều lao dốc tới hơn 8% xuống dưới mức 80 USD/thùng.
Dữ liệu nhu cầu yếu từ Trung Quốc, triển vọng kinh tế ảm đạm, và sự mạnh lên của đồng USD đã đẩy giá dầu lao dốc tới 4% trong phiên giao dịch ngày 3/1 đầy biến động đầu tiên của năm 2023. Giá dầu đã đảo chiều trượt dốc sau khi tăng 1 USD lúc đầu phiên.
Theo Reuters, hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã giảm trong tháng 12/2022 do số ca nhiễm Covid-19 gia tăng làm gián đoạn sản xuất và đè nặng lên nhu cầu sau khi Bắc Kinh dỡ bỏ phần lớn các biện pháp hạn chế dịch.
Bên cạnh đó, theo Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva, các nền kinh tế Mỹ, châu Âu và Trung Quốc đều đang chậm lại, khiến nền kinh tế toàn cầu năm 2023 trở nên khó khăn hơn so với năm 2022.
Giá dầu tiếp đà trượt dài thêm hơn 4 USD trong phiên giao dịch ngày 4/1.
Sau hai phiên lao dốc, giá dầu đã lấy lại được đà tăng, khoảng 1% tại phiên giao dịch thứ 3. Nguyên nhân là bởi dữ liệu về dự trữ nhiên liệu của Mỹ. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), dự trữ sản phẩm chưng cất của Mỹ giảm 1,4 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 30/12/2022, cao hơn so với kỳ vọng chỉ giảm 296.000 thùng, do ảnh hưởng của một cơn bão mùa đông hồi cuối tháng 12/2022. Cũng theo EIA, dự trữ xăng của Mỹ đã giảm 346.000 thùng; dự trữ dầu thô của Mỹ tăng 1,7 triệu thùng.
Giá dầu tăng cũng bởi sự ngừng hoạt động tạm thời để bảo trì đường ống Line 3 của hãng điều hành đường ống hàng đầu của Mỹ Colonial Pipeline.
Tại phiên giao dịch cuối cùng của tuần, giá dầu Brent và WTI đã kết thúc trái chiều khi thị trường cân bằng giữa sự biến động của đồng bạc xanh và báo cáo việc làm của Mỹ.
Viện Quản lý Cung ứng (ISM) cho biết, hoạt động của ngành dịch vụ Mỹ trong tháng 11/2022 đã giảm lần đầu tiên sau hơn 2 năm rưỡi. Một báo cáo khác cho thấy nền kinh tế Mỹ đã tạo thêm việc làm ở mức ổn định trong tháng 12/2022, đẩy tỷ lệ thất nghiệp trở lại mức thấp trước đại dịch là 3,5% do thị trường lao động vẫn thắt chặt. Báo cáo việc làm của Mỹ đã đẩy đồng USD giảm giá.
Vậy là sau 4 phiên giao dịch, cả dầu Brent và WTI đều giảm hơn 8%, mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ năm 2016. Cả hai loại dầu này đã tăng khoảng 13% trong ba tuần trước đó. Giá dầu Brent dừng ở mức 78,57 USD/thùng; giá dầu WTI ở mức 73,77 USD/thùng.
Các nhà phân tích cho rằng, thị trường dầu có thể lấy lại được phần nào sự bình tĩnh sau đợt giảm vào đầu tuần này. Tuy nhiên, khả năng tăng giá vẫn còn hạn chế, ít nhất là trong thời gian tới do triển vọng kinh tế vẫn ảm đạm, với các dấu hiệu giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các nền kinh tế lớn có vai trò dẫn dắt như Mỹ, Trung Quốc, EU… ngày một rõ ràng. Số ca nhiễm Covid-19 mới ở Trung Quốc gia tăng cũng làm dấy lên nhiều lo ngại về việc tiêu thụ dầu thô ở nước này. Một dấu hiệu cho thấy nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc yếu hơn là việc chính phủ nước này mới đây đã tăng hạn ngạch xuất khẩu các sản phẩm dầu tinh chế.
Ngoài ra, giá dầu có xu hướng giảm mạnh còn do Saudi Arabia tiếp tục giảm giá bán đối với loại dầu thô Arab Light cho thị trường châu Á từ mức thấp nhất 10 tháng trong tháng này do lo ngại nhu cầu trì trệ.