Lỗ lớn trong năm 2017 đẩy lỗ lũy kế của PVC ngấp nghé vốn điều lệ.
Quá trình thua lỗ nặng nề của PVC gắn liền với thời kỳ điều hành của cựu Chủ tịch HĐQT Trịnh Xuân Thanh
Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC, Mã chứng khoán: PVX) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2017 với nhiều thông tin tiêu cực.
Doanh thu trong năm của PVC giảm mạnh về 3.699 tỷ đồng, chỉ bằng 40% năm 2016. Cùng với đó, chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh khiến công ty nơi ông Trịnh Xuân Thanh từng làm Chủ tịch HĐQT lỗ sau thuế tới 409 tỷ đồng.
Năm 2016, PVC lãi sau thuế 91,7 tỷ đồng. Các năm 2014-2015, PVC cũng ghi nhận những khoản lãi vài chục tỷ đồng, dù còn khiêm tốn, nhưng khiến không ít nhà đầu tư vẫn kỳ vọng về một cuộc tái cơ cấu toàn diện của doanh nghiệp trực thuộc Tập đoàn Dầu khí (PVN).
Khoản lỗ lớn bất ngờ trong năm 2017 cho thấy PVN còn rất nhiều việc phải làm với công ty con của mình. Lỗ luỹ kế của PVC vào cuối năm 2017 là 3.278 tỷ đồng, chiếm 82% vốn điều lệ (4.000 tỷ đồng), tổng tài sản đạt 12.824 tỷ đồng, vay nợ tài chính cả ngắn và dài hạn là hơn 2.400 tỷ đồng.
Chốt phiên giao dịch 6/2, giá cổ phiếu PVX giảm 4,8% về 2.000 đồng/ CP. Hiện PVN vẫn sở hữu cổ phần chi phối tại PVC, với tỷ lệ 54,47%.
Theo kế hoạch được Hội đồng quản trị PVC đặt ra vào đầu năm 2017, doanh nghiệp này sẽ tiến hành tái cấu trúc toàn diện, thoái vốn/ giải thể 23 đơn vị thành viên trong giai đoạn 2017-2020, trong đó có Xây lắp Dầu khí 2; Trang trí nội thất dầu khí (PVC-ID), Phát triển Đô thị dầu khí (PVC-Mekong); Bất động sản Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC Land); Đầu tư hạ tầng và đô thị dầu khí (PetroLand); Đầu tư Xây lắp dầu khí Sài Gòn (PVC-SG); Khách sạn Nam Kinh; Xây lắp dầu khí miền Trung (PVC MT); Xây lắp dầu khí Hà Nội (PVC HN)…
Ở diễn biến liên quan, cựu Chủ tịch HĐQT PVC ông Trịnh Xuân Thanh ngày 5/2 vừa nhận án chung thân thứ hai với vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Công ty BĐS Điện lực Dầu khí (PVP Land).
Nguồn tin: Kienthuc