Trong khi tồn kho nhà máy lọc dầu Dung Quất chạm đỉnh, lượng tiêu thụ xăng dầu trong nước giảm mạnh thì xuất khẩu xăng dầu có được coi là giải pháp giải tỏa tồn kho, đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp.
Tiêu thụ giảm 70%, tồn kho xăng dầu chạm đỉnh
Nhu cầu đi lại giảm mạnh khi hàng loạt tỉnh thành thực hiện giãn cách xã hội đã làm tồn kho xăng dầu tăng mạnh trong thời gian gần đây khiến hoạt động của nhiều công ty lọc hoá dầu đứng trước nguy cơ phải dừng hoạt động.
Mới đây, CTCP Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) đã có kiến nghị lên UBND tỉnh Quảng Ngãi, nơi đặt nhà máy lọc dầu Dung Quất, cho biết hiện nhà máy đang tồn kho trên 200.000 m3 sản phẩm xăng dầu (tương đương 1,2 triệu thùng) và gần 400.000 m3 dầu thô.
Nhà máy đã giảm công suất xuống mức kỹ thuật tối thiểu còn 90% từ ngày 3/8. Nếu tồn kho sản phẩm tiếp tục tăng cao, nhà máy lọc dầu Dung Quất đối diện với rủi ro không còn chỗ chứa sản phẩm, dẫn đến nguy cơ nhà máy phải dừng hoạt động.
Qua tìm hiểu của UBND tỉnh Quảng Ngãi, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cũng bị ảnh hưởng tương tự.
Trao đổi về vấn đề này, ông Bùi Ngọc Bảo, Quyền Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) cho biết dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến lượng tiêu thụ xăng dầu ở 23 tỉnh, thành phố đang thực hiện Chỉ thị 16 giảm tới 70 – 80%, đặc biệt ở các tỉnh phía Nam như TP HCM, Bình Dương, Đồng Tháp.
Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của các tỉnh, thành không thực hiện giãn cách thì nhu cầu tiêu thụ cũng giảm tới 30% do hạn chế lưu thông liên tỉnh, từ vùng này sang vùng kia.
"Khác với các công ty phân phối, bán lẻ, xăng dầu chưa bán hoặc bán chậm có thể chứa ở các bồn chứa, còn các nhà máy lọc dầu thì không thể dừng sản xuất, chỉ giảm công suất", ông Bảo nói.
Tại cuộc họp giữa Bộ Công Thương với doanh nghiệp xăng dầu, ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết tình hình kinh doanh các sản phẩm xăng dầu của Petrolimex sụt giảm nghiêm trọng.
Cụ thể sản lượng tiêu thụ mặt hàng xăng E5 RON92 và dầu DO 0,05% chỉ bằng 50% so với bình quân cùng thời điểm tháng 6. Sức tiêu thụ mặt hàng xăng RON95 chỉ bằng 30% và tiếp tục giảm nếu các địa phương kéo dài thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Điều này buộc Petrolimex phải hạn chế tiếp nhận xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu khiến lượng tồn kho tăng cao.
Có nên xuất khẩu xăng dầu lúc này?
Trước phản ánh của doanh nghiệp, UBND tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Thủ tướng ưu tiên sử dụng nguồn xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước để đảm bảo cân đối cung cầu, tháo gỡ khó khăn cho các nhà máy lọc dầu.
Tuy nhiên, sức tiêu thụ trong nước đang chạm đáy, tồn kho chạm đỉnh thì việc xuất khẩu xăng dầu có thể là một trong những giải pháp giúp duy trì nhà máy hoạt động, đảm bảo lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Ông Bùi Ngọc Bảo cho biết: "Hiệp hội cũng đặt ra giải pháp xuất khẩu bởi đây là mặt hàng hàng có tính quốc tế cao, thanh khoản nhanh. Tuy nhiên, nhà máy lọc dầu Dung Quất còn vướng vấn đề hoàn thuế VAT, giờ vẫn đang kiến nghị gỡ khó".
Cũng theo đại diện VINPA, giai đoạn 2018 – 2020, mỗi năm Việt Nam tiêu thụ khoảng hơn 20 triệu tấn xăng dầu trong đó 70% sản xuất nội địa, 30% nhập khẩu.
Năm 2020, sản lượng của nhà máy Dung Quất đạt gần 6 triệu tấn xăng dầu các loại, nhà máy Nghi Sơn cũng về đích với 7,6 triệu tấn sản phẩm.
Ở điều kiện bình thường, hai nhà máy lọc dầu có thể đáp ứng gần đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước. Do đó, trong các giải pháp, Hiệp hội vẫn ưu tiên đề xuất phương án sử dụng xăng dầu trong nước trong thời điểm giãn cách, đảm bảo lợi ích cho các doanh nghiệp. Sau đó, mới tính đến phương án xuất khẩu.
Ông Trần Duy Đông, Vụ Trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết Bộ Công Thương sẽ tiếp tục làm việc cụ thể với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm xăng dầu của hai nhà máy lọc dầu trong nước, đảm bảo cân đối cung cầu mặt hàng xăng dầu trong thời gian tới.
Nguồn tin: Vietnambiz