Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tốc độ giảm giá xăng dầu sẽ nhanh hơn

Thuế nhập khẩu xăng dầu đã tăng lên 40%, mức “kịch trần” theo phương án thuế trong năm 2008 và 2009 đối với mặt hàng này. Tuy nhiên, nếu giá dầu thô thế giới tiếp tục “hạ nhiệt”, tốc độ giảm giá trong nước được dự báo sẽ nhanh hơn.

Chỉ trong thời gian ngắn, thuế nhập khẩu xăng, dầu đã tăng mạnh. Cụ thể, từ 15/9, sau khi nâng từ 0% lên 5%, chỉ số này đã liên tục tăng và hiện ở mức 40% với xăng và 25% với dầu.

“Mức thuế nhập khẩu này tương đối cao, nhất là với mặt hàng dầu”, ông Vương Thái Dũng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xuất nhập khẩu xăng dầu Petrolimex nói. Theo ông, thuế nhập khẩu dầu nên giảm xuống 10-15% vì đó là nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành sản xuất.

Với mức thuế và giá bán mới, theo ông Dũng, lợi nhuận của kinh doanh dầu không đáng kể, còn kinh doanh xăng thì có nhưng ít. “Trên thực tế, khi tiêu thụ mỗi lít xăng, doanh nghiệp phải nộp về cho Nhà nước hơn 70% giá trị thu được”, ông Dũng phân tích.

Cụ thể, khoản thu của Nhà nước gồm 40% thuế nhập khẩu; 10% thuế Tiêu thụ đặc biệt; 10% thuế Giá trị gia tăng; 5% lệ phí xăng dầu. Đó là chưa kể trong cơ cấu giá mỗi lít xăng còn có 1.000 đồng tiền “trả chậm” cho phần ngân sách bỏ ra bù lỗ trước đó.

Theo ông Võ Văn Quyền, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại trong nước, giá vốn kinh doanh xăng, dầu được tính trên mức dự trữ bình quân 20 ngày cộng với thuế và các loại phí khác. Điều đó cũng có nghĩa, chi phí đầu vào của mỗi doanh nghiệp khác nhau bởi phụ thuộc vào thời điểm nhập khẩu, chi phí quản lý của từng đơn vị. Cơ quan quản lý chỉ xây dựng chính sách, tạo điều kiện để đảm bảo yếu tố cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp mà không can thiệp trực tiếp là doanh nghiệp phải bán giá bao nhiêu.

“Về cơ bản, giá được quyết định theo quy luật cung - cầu của thị trường. Chúng tôi chỉ can thiệp khi doanh nghiệp định giá quá cao hoặc quá thấp. Và mức giá doanh nghiệp đăng ký chỉ được tổ giám sát liên bộ về xăng dầu chấp thuận khi đảm bảo tính hợp lý”, ông Quyền nói.

Giá trong nước vẫn thấp hơn khu vực

Nhiều ý kiến băn khoăn việc tăng thuế lên mức “kịch trần” sẽ khiến xăng dầu ít có cơ hội giảm giá mạnh. Tuy nhiên, theo một đại diện của Bộ Tài chính, giá trong nước hiện vẫn thấp hơn so với một số nước trong khu vực.

Cụ thể, so với Trung Quốc, Campuchia, giá bán lẻ xăng tại thị trường Việt Nam vẫn rẻ hơn 2.000 đồng mỗi lít. “Nếu không tăng thuế, chỉ giảm giá, khoảng cách giá xăng dầu tại Việt Nam với các nước láng giềng càng rộng sẽ kéo theo nguy cơ buôn lậu gia tăng”, ông này nói.

Ông Quyền dự đoán, mức thuế nhập khẩu đã được áp khung “kịch trần”. Do vậy, tới đây, nếu giá thế giới tiếp tục “hạ nhiệt”, tốc độ giảm giá bán trong nước sẽ nhanh hơn. “Cơ quan quản lý sẽ giám sát chặt chẽ để doanh nghiệp buộc phải giảm giá tối đa”, ông Quyền nói.

Để doanh nghiệp có thể chủ động phương án kinh doanh, tăng hay giảm kịp thời theo biến động của thị trường thế giới, ông Đặng Vinh Sang, Tổng giám đốc Saigon Petro kiến nghị, chính sách thuế nên đảm bảo ổn định trong một thời gian ít nhất là 3 hoặc 6 tháng. Ông đưa ra kinh nghiệm một số nước hiện áp dụng mức thuế ấn định trên mỗi lít xăng, dầu nhập khẩu. Cách tính này giúp cho nguồn thu ngân sách được ổn định, doanh nghiệp dễ dàng tính toán và người dân cũng dễ dàng đối chiếu, giám sát.

Ông Quách Đức Pháp, Viện trưởng Viện Khoa học Tài chính, nguyên Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính cũng đồng tình quan điểm nên giữ ổn định chính sách thuế. Chính sách thuế không đơn thuần chỉ là nhằm thu ngân sách mà còn để ổn định kinh tế vĩ mô, điều hòa cung cầu. “Tuy nhiên, trong bối cảnh giá dầu thô thế giới biến động quá thất thường như vừa qua, nên đưa ra một khung thuế để việc áp dụng được linh hoạt và ổn định trong khung đó”, ông Pháp nói.
 
(VnMedia)

ĐỌC THÊM