Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tính kịch bản giá dầu giảm sâu dưới 30 USD/thùng

Nếu giá dầu năm nay trung bình chỉ ở mức 30 USD/thùng thì doanh thu của PVN sẽ giảm khoảng 2,4 tỷ USD và nộp ngân sách giảm khoảng 800 triệu USD. 

Ngân sách hụt thu 800 triệu USD

Theo báo cáo của PVN, nếu giá dầu ở mức 60 USD/thùng thì doanh thu bán dầu thô là 4,66 tỷ USD. Nhưng nếu giá dầu xuống 30 USD/thùng thì doanh thu từ bán dầu thô chỉ còn 2,36 tỷ USD, nộp ngân sách Nhà nước cũng tương ứng sẽ giảm từ 1,594 tỷ USD xuống còn 806 triệu USD (tương ứng PVN mất 2,3 tỷ USD doanh thu và giảm gần 800 triệu USD nộp ngân sách Nhà nước).

Hệ lụy từ việc giảm này sẽ tác động nặng nề không chỉ đối với PVN mà các địa phương liên quan. Đơn cử như tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, số thu ngân sách hai tháng đầu năm của tỉnh đạt 15.177 tỷ đồng thì trong đó có 46% từ dầu thô (gần 7.000 tỷ đồng).


Giá dầu lao dốc khiến việc khai thác dầu thô gặp khó.

Phát biểu tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Bộ Công Thương ngày 20/3, ông Nguyễn Việt Sơn, Vụ trưởng Vụ Dầu khí và than (Bộ Công Thương) cũng dẫn lại số liệu của PVN và đánh giá: Hiện dầu thô thực tế ở quanh mức 30 USD/thùng. Dự kiến cả năm 2020, PVN khai thác 8,8 triệu tấn dầu thô. Nếu giá dầu năm nay trung bình chỉ 30 USD/thùng thì doanh thu của PVN sẽ giảm khoảng 2,4 tỷ USD và nộp ngân sách giảm khoảng 800 triệu USD.

Về khai thác khí, lãnh đạo Vụ Dầu khí và Than cho hay, hầu hết các nguồn khí đang khai thác tại Việt Nam có sản lượng và giá khí xác định theo từng mỏ, đã được ký hợp đồng tiêu thụ dài hạn nên ít bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Đối với những mỏ khí có giá neo theo giá dầu thô, doanh thu sụt giảm.

Đối với hoạt động sản xuất và kinh doanh xăng dầu, ông Nguyễn Việt Sơn cho rằng sẽ chịu tác động kép, bởi lẽ giá dầu giảm sâu làm giá sản phẩm xăng dầu giảm theo cộng với nhu cầu tiêu thụ sụt giảm trên 30% do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Hiện tại, lượng tồn kho xăng dầu của nhà máy lọc dầu Dung Quất và Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn ở mức rất cao, khoảng 70-80% và có thể tăng trong những ngày tới.

Do yếu tố tồn kho và khoảng cách chênh lệch giữa giá sản phẩm với giá dầu thô thấp khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) tháng 2/2020 lỗ 313 tỷ đồng, lũy kế hai tháng lỗ 228 tỷ đồng.

Ông Sơn thông tin thêm, nếu tính giá bán dầu ở mức 30 USD/thùng, nhiều mỏ dầu sau khi nộp thuế và tính các loại chi phí thì thu sẽ không đủ bù chi. Tuy nhiên, hợp đồng dầu mỏ là hợp đồng dài hạn, nếu dừng sản xuất ngay lập tức sẽ gây thiệt hại lớn. Hiện nay, chưa có nhà thầu dầu khí nào đề xuất dừng vận hành khai thác.


Có ý kiến cho rằng khi giá dầu thấp, thì nên mua dự trữ để có lợi khi giá lên cao.

Đề xuất mua dự trữ khi giá thấp

Đại diện Vụ Dầu khí và Than phân tích, trong dài hạn, ngành dầu khí cần rà soát đánh giá cụ thể từng mỏ xem mỏ nào tiếp tục khai thác, đảm bảo hiệu quả thì duy trì, còn mỏ nào không có khả năng vẫn phải xem xét việc đóng mỏ.

Ngoài ra, toàn ngành phải rà soát một số mỏ có khả năng khai thác tốt để cân đối, bù đắp cho mỏ có giá dầu cao, từ đó bù đắp cho tổng sản lượng, đáp ứng được tăng trưởng của ngành nói riêng và tăng trưởng GDP của đất nước nói chung.

“PVN đề xuất Bộ Công Thương và Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại DN kiến nghị Chính phủ giãn thuế thu nhập DN và thuế xuất khẩu dầu thô. Bên cạnh đó, khi giá dầu thấp thì Chính phủ có cơ chế lấy sản phẩm dầu thô giá rẻ và dầu tồn kho làm thành dự trữ quốc gia, sau khi giá dầu cao thì Chính phủ lại bán lại cho DN để giảm bớt khó khăn cho DN”, ông Sơn đề cập giải pháp.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng nhấn mạnh: Với mức 30 USD/thùng thì không mỏ dầu nào chịu được và cần phải xây dựng kịch bản cụ thể cho ngành này.

Còn Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh lo ngại giá dầu lao dốc tác động mạnh đến ngành dầu khí cũng như nền kinh tế, do đây không phải chỉ là ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 mà còn là "cuộc chiến" của những ông lớn dầu khí thế giới như Nga, OPEC, Mỹ...

Dưới góc độ vĩ mô, việc giá dầu thế giới giảm sâu đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của PVN, qua đó làm giảm mức đóng góp của tập đoàn với nền kinh tế. Nhưng ở chiều hướng ngược lại, PVN cho rằng: Xu hướng này cũng đang mở ra nhiều cơ hội mở rộng đầu tư, tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí khi giá dịch vụ và giá thuê giàn khoan giảm mạnh; nhiều chủ mỏ sẽ phải đóng hoặc bán mỏ; chi phí trong việc đàm phán các hợp đồng khai thác, thăm dò dầu khí vì thế cũng giảm mạnh...

Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, PVN cần có cơ chế để tạo nguồn lực, chủ động trong việc thực hiện các dự án, kế hoạch thăm dò, khai thác dầu khí, gia tăng trữ lượng...

Ông Hồ Tế, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính kiêm Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Dầu mỏ & Khí đốt Việt Nam, chia sẻ: Con đường phát triển của PVN sẽ có nhiều khó khăn, thách thức khi tình hình thế giới liên tục có nhiều biến động, đặc biệt dịch bệnh Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu. Trong đó, ngành dầu khí chịu ảnh hưởng không hề nhỏ do giá dầu có nguy cơ giảm sâu.

"Còn nhớ những năm trước đây, khi nền kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng, giá dầu có thời điểm giảm còn chưa đến 10 USD/thùng. Tuy nhiên, PVN đã trải qua gian khổ và không lùi bước, vẫn luôn hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ giao. Đó cũng chính là bản lĩnh, là niềm tự hào truyền thống của PVN để có thể tiếp tục vượt qua những khó khăn đang phải đối mặt hiện nay", ông Hồ Tế nói.

Giá dầu thô trung bình tháng 1/2020 (tương đương với giá dầu Brent - chuẩn mực giá toàn cầu hàng đầu đối với dầu thô) là 55,8 USD/thùng, giá ngày 20/3 là 29 USD/thùng.
Giá dầu WTI (giá được giao dịch trên bảng điện tử của sàn giao dịch hàng hóa New York) tại hai thời điểm này là 51,1 USD/thùng và 26,3 USD/thùng. Với giá dầu Brent hiện tại (nhưng giao trong 4-5/2020), giá dầu của Việt Nam sẽ thấp hơn mức giá kế hoạch khoảng 30 USD/thùng.

Nguồn tin: vietnamnet.vn

ĐỌC THÊM