Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tin vắn ngày 31/01/2023

Bản tin dầu thô chiều 31/01/2023

Giá dầu kéo dài đà giảm vào sáng thứ Ba do mối đe dọa từ lãi suất tăng hơn nữa và nguồn cung dầu thô tiếp tục của Nga tiếp tục chảy vào thị trường đã lấn át những kỳ vọng phục hồi nhu cầu từ Trung Quốc.

Dầu thô Brent giao tháng 3 hết hạn sau hôm nay giảm 5 cent xuống 84,85 USD/thùng, trong khi hợp đồng tháng 4 giảm 32 cent hay 0,38% xuống 84,18 USD/thùng.

Hợp đồng tương lai dầu thô ngọt nhẹ WTI cũng giảm 33 cent, tương đương 0,42%, xuống 77,57 USD/thùng.

Nhà phân tích Tina Teng của CMC Markets nhận định: “Thị trường dầu đang đối mặt với áp lực giảm giá khi các giao dịch tránh rủi ro chiếm ưu thế trước cuộc họp của Fed, cùng với đồng USD mạnh lên”.

Bà cho biết thêm, triển vọng nhu cầu vẫn chưa chắc chắn vì xuất khẩu của Nga dường như không bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt, mặc dù Trung Quốc đã mở cửa trở lại.

Các nhà đầu tư kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào thứ Tư, với mức tăng nửa điểm của Ngân hàng Anh và Ngân hàng Trung ương Châu Âu vào ngày tiếp theo. Lãi suất cao hơn có thể làm chậm nền kinh tế toàn cầu và làm suy yếu nhu cầu dầu mỏ.

Thị trường cũng hướng sự chú ý đến một cuộc họp trực tuyến đã được lên kế hoạch vào ngày 1 tháng 2 lúc 18:00 theo giờ VN của các bộ trưởng OPEC+.

Theo dự đoán, OPEC+ sẽ giữ nguyên chính sách sản lượng hiện tại của nhóm tại cuộc họp này, năm đại biểu của OPEC+ nói với Reuters hôm thứ Hai.

OPEC + đã nhất trí hồi tháng 10 để cắt giảm mục tiêu sản xuất 2 triệu thùng mỗi ngày, tương đương khoảng 2% nhu cầu thế giới, từ tháng 11 đến cuối năm 2023.

Nga tiếp tục cung cấp dầu cho thị trường toàn cầu bất chấp lệnh cấm của Liên minh châu Âu và mức trần giá do G7 áp đặt bởi cuộc xâm lược Ukraine, điều này đã gây áp lực lên giá.

Dữ liệu chỉ số quản lý mua hàng (PMI) chính thức mạnh hơn từ Trung Quốc cho thấy nhu cầu tiềm năng tốt trong thời gian tới, khi hoạt động phi sản xuất của quốc gia này lần đầu tiên vượt qua ngưỡng mở rộng kể từ tháng 9 năm 2022.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng nhẹ triển vọng tăng trưởng toàn cầu năm 2023 do nhu cầu "phục hồi đáng ngạc nhiên" ở Hoa Kỳ và Châu Âu, chi phí năng lượng giảm và nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại sau khi Bắc Kinh dỡ bỏ các hạn chế COVID-19 nghiêm ngặt.