Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tin vắn ngày 29/01/2019

Bản tin chiều 29/01/2019

Giá dầu phục hồi phiên sáng thứ Ba sau khi Washington áp lệnh trừng phạt đối với công ty dầu khí nhà nước PDVSA của Venezuela trong một bước dự kiến sẽ làm hạn chế nghiêm trọng việc xuất khẩu dầu thô của quốc gia thành viên OPEC này sang Mỹ.

Bất chấp động thái này, xuất hiện khi chính phủ Hoa Kỳ tìm cách gây áp lực buộc Tổng thống Nicolas Maduro phải từ chức, các trader cho biết nguồn cung dầu toàn cầu dồi dào và suy thoái kinh tế đặc biệt là ở Trung Quốc đang kiềm hãm giá dầu thô.

Hợp đồng WTI giao tháng 3 ở mức 52,12 đô la/thùng, tăng 13 cent, tương đương 0,3%. Dầu thô giao tháng 4 ở mức 60,05 USD/thùng, tăng 12 cent, tương đương 0,2%.

Mỹ vẫn là một điểm đến chính của dầu mỏ Venezuela bất chấp sự khác biệt chính trị giữa họ, mặc dù khối lượng đã giảm trong những năm qua trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế Venezuela và khi chính phủ Mỹ bắt đầu nhắm vào quốc gia Nam Mỹ này bằng các biện pháp trừng phạt.

Chính phủ Mỹ đang ủng hộ nhà lãnh đạo phe đối lập Venezuela Juan Guaido, người tự xưng là tổng thống lâm thời vào tuần trước và đang yêu cầu Maduro từ chức.

“Do bởi hành động hôm nay, tất cả tài sản và quyền lợi trong tài sản của PDVSA thuộc quyền lực pháp lý của Mỹ đều bị chặn và người Mỹ nhìn chung là bị cấm tham gia giao dịch với họ”, Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho biết vào cuối ngày thứ Hai.

“Những người hoạt động trong lĩnh vực dầu mỏ của nền kinh tế Venezuela có thể bị xử phạt”.

Venezuela có trữ lượng dầu có thể khai thác lớn nhất thế giới và là thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).

Mặc dù có trữ lượng khổng lồ nhưng xuất khẩu của Venezuela đã giảm xuống còn chưa tới 1 triệu thùng mỗi ngày trong năm 2018 từ mức 1,6 triệu thùng/ngày của năm 2017, theo dữ liệu theo dõi tàu và các nguồn tin giao dịch của Refinitiv.

Sự suy giảm này diễn ra trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế đã khiến đầu tư giảm mạnh, nguồn cung cấp thiết bị và năng lượng chính bị gián đoạn và tiền lương không được trả.

Trong khi tin tức về các lệnh trừng phạt chống lại Venezuela đã chiếm lấy các tiêu đề, thì các nhà phân tích cho rằng vấn đề cơ bản đối với thương mại dầu mỏ toàn cầu vẫn là nguồn cung quá nhiều.

Nguồn cung dầu toàn cầu vẫn cao chủ yếu do sản lượng dầu thô của Mỹ tăng hơn 2 triệu thùng/ngày trong năm ngoái, đạt mức kỷ lục 11,9 triệu thùng/ngày.

Cũng có những lo ngại trong ngành dầu mỏ rằng nhu cầu dầu thô có thể sụt giảm trong bối cảnh kinh tế trì trệ.

Theo thông báo của tỉnh trong tháng này, trong số 31 tỉnh, khu vực và đô thị của Trung Quốc, ít nhất 23 đã cắt giảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế cho năm nay, một tín hiệu cho thấy ngành công nghiệp và sản xuất tại nền kinh tế số 2 thế giới đang chậm lại.

Để ngăn chặn sự chậm lại này, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) hôm thứ Ba đã tiết lộ một loạt các biện pháp nhằm thúc đẩy doanh số bán các mặt hàng từ xe hơi và thiết bị đến dịch vụ thông tin.

Sự tập trung sắp tới của các nhà đầu tư có khả năng sẽ chuyển sang các cuộc đàm phán về thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc dự kiến sẽ bắt đầu vào cuối tuần này (30/1).

Phó Thủ tướng Trung Quốc Liu He sẽ gặp phái đoàn Hoa Kỳ do Đại diện Thương mại Robert Lighthizer dẫn đầu vào thứ Tư và thứ Năm.

Tuy nhiên, triển vọng của một thỏa thuận thương mại đã bị giáng một đòn mạnh vào hôm nay sau khi Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đệ đơn tố cáo hình sự đối với hãng Huawei và CFO Mạnh Vãn Chu.

Bộ Tư pháp đưa ra hai vụ kiện chống lại gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc. Một bản cáo trạng cáo buộc công ty cố gắng ăn cắp bí mật kinh doanh từ T-Mobile, trong khi bản cáo trạng thứ hai tuyên bố công ty đã vi phạm lệnh trừng phạt của Iran.

Dự báo

Thị trường dầu tuần này sẽ tập trung vào 2 sự kiện chính sau đây:

+ Chính quyền Trump tuyên bố các lệnh trừng phạt công ty năng lượng quốc doanh của Venezuela PDVSA. Nếu Venezuela sẵn sàng tiếp tục chuyển dầu đến Mỹ mặc dù không thể có được số tiền đó thì không có tác động gì lên giá cả (kịch bản này sẽ có rất ít khả năng xảy ra). Tuy nhiên Maduro sẽ cố gắng bán dầu ở nơi khác với sự hậu thuẫn từ hai đồng minh Trung Quốc và Nga và cũng là chủ nợ lớn nhất của quốc gia Nam Mỹ này (kịch bản này rất có thể xảy ra) và sẽ có tác động làm tăng giá dầu. Vì vậy mối đe dọa thực sự chính là phản ứng của chính quyền tổng thống Maduro.

+ Các cuộc đàm phán thương mại giữa các quan chức cấp cao Mỹ-Trung sẽ bắt đầu vào cuối tuần này tại Washington. Phần lớn triển vọng nhu cầu xoay quanh Trung Quốc và liệu các nhà máy lọc dầu của nước này có tiếp tục nhập khẩu dầu thô với tốc độ đột phá của năm 2018 hay không. Các công ty công nghiệp ở Trung Quốc đã báo cáo thu nhập giảm tháng thứ hai liên tiếp vào tháng 12, bất chấp các nỗ lực hỗ trợ vay và đầu tư của của chính phủ.

Nếu kết quả đàm phán tuần này có tín hiệu khả quan thì sẽ là một cú hích lớn cho thị trường và giá cả sẽ nhận được sự hỗ trợ tốt. Tuy nhiên, với động thái mới đây của Bộ Tư pháp Mỹ khi đệ đơn tố cáo hình sự đối với hãng Huawei và CFO Mạnh Vãn Chu, đây được xem là một trở ngại cho hai bên đạt được thỏa thuận tích cực.

Giá dầu sẽ biến động theo diễn biến của hai sự kiện này, nhưng nhìn chung giá WTI sẽ dao động trong phạm vi 52-54 USD.

Bản tin sáng ngày 29/01/2019

Những cố gắng của Saudi để nhấn mạnh vào việc cắt giảm sản lượng và giảm nhẹ cuộc khủng hoảng ở Venezuela, mà nhiều người đã coi là một pháo đài hỗ trợ cho dầu trong tuần này, dường như đang gây tác dụng ngược.

Dầu thô West Texas Intermediate giao dịch ở New York và dầu thô Brent London đã giảm 4% vào thứ Hai trước khi chốt trên mức thấp trong phiên, sau khi Bộ trưởng Năng lượng Saudi Khalid al-Falih nói với hãng tin RIA của Nga rằng bất ổn chính trị ở Venezuela cho đến nay không có tác động lên thị trường dầu toàn cầu. Thay vào đó, ông nhấn mạnh lại việc cắt giảm sản lượng của Saudi, mà theo ông là vượt trên các cam kết ban đầu của Riyadh.

WTI đã giảm 1,70 USD, tương đương 3,2%, ở mức 51,99 USD/thùng, sau mức thấp trong phiên là 51,34.

Brent, chuẩn dầu toàn cầu, giảm 1,71 USD, tương đương 2,8%, xuống 59,93 USD/thùng.

Thêm vào áp lực lên dầu mỏ là sự trượt dốc trong các chỉ số chứng khoán của Phố Wall, vốn giảm hơn 1% mỗi chỉ số do lo ngại rằng sự suy thoái kinh tế của Trung Quốc đang làm giảm lợi nhuận của các công ty như Caterpillar Inc (NYSE: CAT) và NVIDIA (NASDAQ: NVDA ).

Ngoài ra, quyết định của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro trong việc chặn lại việc trục xuất các nhà ngoại giao Mỹ khỏi đất nước cũng đã làm dịu một số căng thẳng giữa Caracas và Washington, gây sức ép lên giá dầu. Chính quyền Trump đã cảnh báo Maduro về một “phản ứng quan trọng” – được hiểu như là các biện pháp trừng phạt đối với xuất khẩu dầu của Venezuela - nếu nhân viên Mỹ bị đe dọa sau khi Washington công nhận lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido là lãnh đạo mới của Venezuela.

Mặc dù Venezuela chỉ vận chuyển khoảng 500.000 thùng mỗi ngày đến Mỹ - ít hơn 10% trong số 5 triệu thùng nhập khẩu trung bình của các nhà tinh chế Mỹ - dầu thô nặng hơn của nước này rất cần thiết để sản xuất dầu diesel và nhiên liệu vận chuyển khác ở Mỹ. Mặc dù Mỹ sản xuất khoảng 12 triệu thùng dầu thô một ngày, nhưng đó chủ yếu là biến thể thô nhẹ dùng để sản xuất xăng.

Bộ trưởng Năng lượng Saudi Falih, trả lời một câu hỏi về Caracas, cho biết ông thấy không cần phải thực hiện các biện pháp bổ sung trên thị trường dầu mỏ vì tình hình ở Venezuela.

Vì vậy, sẽ không cần thiết để OPEC rút lui khỏi những cắt giảm sản xuất mà nhóm đã bắt đầu kể từ tháng 12 để đưa cung-cầu trở lại cân bằng.

WTI tăng 22% từ mức thấp trong đêm Giáng sinh là 42,36 USD chủ yếu do cắt giảm OPEC, mặc dù biến động gần đây đã làm giảm mức tăng cho đến nay xuống còn khoảng 13% từ mức cao gần 20%.

Để củng cố quan điểm của mình, Falih trong một cuộc phỏng vấn khác với Đài truyền hình Bloomberg rằng Saudi Arabia sẽ bơm dầu trong sáu tháng ở các mức “thấp hơn nhiều” mức giới hạn sản xuất tự nguyện theo thỏa thuận cắt giảm dầu của OPEC. Sản lượng tháng 1 sẽ là 10,2 triệu thùng mỗi ngày và tháng 2 sẽ là 10,1 triệu thùng mỗi ngày so với 10,33 triệu thùng ban đầu mà Saudi cam kết tình nguyện vào tháng 12.

Falih cho biết thỏa thuận sản lượng dầu toàn cầu sẽ cần được đánh giá lại vào tháng 3 -4 và hy vọng tác động của nó sẽ là "hơn một trăm phần trăm" sau đó.

Dự báo

Giá dầu chốt ở mức thấp hai tuần vào thứ Hai, tuy nhiên sau đó tăng cao hơn trong phiên giao dịch điện tử sau khi Bộ Tài chính Mỹ công bố lệnh trừng phạt công ty dầu mỏ nhà nước Venezuela, Petróleos de Venezuela SA, làm tăng nguy cơ gián đoạn nguồn cung dầu từ quốc gia Nam Mỹ, nơi có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới.

Vậy các biện pháp trừng phạt này có thực sự làm tăng nguy cơ làm gián đoạn nguồn cung dầu từ Venezuela hay không? Câu trả lời là có và không.

Nếu Venezuela sẵn sàng tiếp tục gửi các chuyến hàng đến Mỹ mặc dù Maduro không thể có được số tiền đó thì không có tác động gì. Tiền sẽ được chuyển vào một tài khoản để được tung ra khi Venezuela có một chính phủ hợp pháp. Tuy nhiên Maduro sẽ cố gắng bán dầu ở nơi khác. Vì vậy mối đe dọa thực sự chính là phản ứng của Maduro.

Rủi ro chính đối với thị trường dầu mỏ xuất phát từ viễn cảnh của những mục tiêu trừng phạt từ Mỹ, nơi vẫn nhập khẩu một phần lớn xuất khẩu dầu của Venezuela. Mỹ là điểm đến chính cho các chuyến hàng dầu thô của Venezuela và nhận khoảng 41% tổng kim ngạch xuất khẩu của Venezuela, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng EIA.WTI sẽ test khu vực giá 52 đến 54 trong phiên giao dịch và sẽ bắt đầu có xu hướng tăng lên sau khi thị trường nhận được tín hiệu đáp trả từ chính phủ tổng thống Manduro. Tuy nhiên đà tăng có thể sẽ bị giới hạn vì căng thẳng thương mại Mỹ-Trung có vẻ như tồi tệ hơn nữa, gia tăng đồn đoán về sự chậm lại trong nhu cầu năng lượng. Các cuộc đàm phán thương mại giữa các quan chức cấp cao từ hai quốc gia sẽ bắt đầu vào tuần này tại Washington.