Bản tin dầu thô chiều 28/11/2022
Giá dầu rớt hơn 2 đô la một thùng vào thứ Hai, với WTI chạm mức thấp nhất trong 11 tháng, do các cuộc biểu tình tại nhà nhập khẩu hàng đầu Trung Quốc về việc hạn chế nghiêm ngặt COVID-19 làm gia tăng lo ngại về nhu cầu.
Dầu thô Brent giao tháng 01 giảm 2,41 USD, tương đương 2,88%, giao dịch ở mức 81,22 USD/thùng, sau khi giảm xuống 81,16 USD trước đó trong phiên - mức thấp nhất kể từ ngày 11/1.
Dầu thô WTI giao tháng 01 cũng mất trượt 2,2 USD, tương đương 2,88%, xuống 74,08 USD/thùng. Trước đó, có lúc đã giảm tới 73,82– mức thấp nhất kể từ ngày 27 tháng 12 năm 2021.
Tình trạng bất ổn dân sự đã nổ ra ở một số thành phố lớn của Trung Quốc vào cuối tuần qua, khi ngày càng nhiều người dân xuống đường bày tỏ sự bất bình với chính sách nghiêm ngặt zero-COVID.
Các cuộc biểu tình diễn ra sau các hạn chế mới liên quan đến COVID được đưa ra trong hai tháng qua, khi Trung Quốc một lần nữa vật lộn với số ca nhiễm hàng ngày cao kỷ lục. Điều này cũng đã tác động xấu đến thị trường dầu thô với triển vọng nhu cầu suy yếu tại quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới.
Nhập khẩu dầu thô của nước này đã giảm liên tục trong năm nay, cho thấy ít dấu hiệu phục hồi. Hạn ngạch xuất khẩu dầu tăng lên cũng cho thấy tiêu thụ nội địa vẫn còn yếu.
Các cuộc biểu tình gần đây cũng đánh dấu một sự bất tuân dân sự hiếm thấy ở Trung Quốc kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền hơn một thập kỷ trước. Cam kết của chính phủ ông Tập đối với chính sách zero-COVID đã khiến tăng trưởng kinh tế bị đình trệ trong năm nay, với dữ liệu công bố vào cuối tuần này dự kiến sẽ cho thấy sự suy giảm liên tục.
Giá dầu thô cũng chịu áp lực từ các nhà nhập khẩu lớn như Trung Quốc và Ấn Độ mua dầu thô với giá giảm mạnh từ Nga, trong khi các quốc gia phương Tây chật vật để áp trần giá đối với xuất khẩu dầu thô của Moscow.
Về phía cung, hiện tại cũng đang tập trung vào cuộc họp sắp tới của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+), dự kiến diễn ra vào cuối tuần này, về bất kỳ sự cắt giảm sản lượng nào nữa.
Nhóm đã thông báo cắt giảm nguồn cung 2 triệu thùng mỗi ngày vào tháng 10 và tuyên bố sẽ có nhiều động thái như vậy để giúp hỗ trợ giá dầu. Với giá đang giao dịch dưới mức mà đã thúc đẩy quyết định cắt giảm hồi tháng 10, OPEC có thể cắt giảm sản lượng hơn nữa.
Giá dầu cũng được xoa dịu phần nào do sự suy yếu gần đây của đồng đô la, trong bối cảnh kỳ vọng ngày càng tăng rằng Cục Dự trữ Liên bang sẽ nâng lãi suất với tốc độ chậm hơn trong những tháng tới. Kịch bản này cũng có khả năng giúp giảm bớt những lo ngại về việc tăng trưởng kinh tế của Mỹ đang chậm lại.