Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tin vắn ngày 28/02/2022

Bản tin dầu thô chiều 28/02/2022

Dầu tiếp tục leo dốc vào sáng thứ Hai trong phiên châu Á, khi xung đột ở Ukraine leo thang. Các nước phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga để đáp trả cuộc xâm lược Ukraine, và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đáp trả thông qua việc đặt lệnh răn đe hạt nhân của nước này trong tình trạng báo động cao.

Giá dầu Brent giao tháng 4 tăng 5,3 lên 103,12 USD. Hợp đồng này sẽ hết hạn vào hôm nay. Hợp đồng dầu Brent giao tháng 5 ở mức 99,88 USD, tăng 6,06%.

Hợp đồng WTI giao tháng 4 cũng tăng 6,04% lên 97,12 USD sau khi đạt mức cao 98,94 USD vào đầu ngày và chạm mốc 100,54 USD trong tuần trước.

Chiến lược gia hàng hóa Daniel Hynes của ANZ nói với Reuters: “Động thái của Mỹ và châu Âu nhằm loại bỏ một số ngân hàng của Nga ra khỏi hệ thống SWIFT đã làm dấy lên lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung trong tương lai gần”.

Ông nói thêm: “Rủi ro đối với nguồn cung là rủi ro lớn nhất mà chúng tôi từng thấy trong một thời gian và nó xuất hiện trong một thị trường vốn đã khan hiếm nguồn cung”.

Ông Putin đã ra lệnh cho "lực lượng răn đe" của Nga, lực lượng sử dụng vũ khí hạt nhân, cảnh giác cao độ vào hôm Chủ nhật khi các cường quốc phương Tây ngăn chặn các ngân hàng lớn của Nga sử dụng hệ thống nhắn tin SWIFT toàn cầu. Điều này làm dấy lên lo ngại các chuyến hàng dầu thô từ Nga có thể bị gián đoạn.

"Quyết định của Tổng thống Putin đặt các lực lượng hạt nhân của Nga trong tình trạng báo động cao là một sự leo thang rõ ràng và đáng lo ngại, điều này sẽ hỗ trợ cho giá dầu", Stephen Brennock của PVM nói với Reuters.

Các nhà đầu tư cũng chờ đợi cuộc họp tiếp theo của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+), dự kiến ​​diễn ra vào ngày 2 tháng 3. Liên minh dự kiến ​​sẽ giữ nguyên kế hoạch bổ sung thêm 400.000 thùng/ngày vào tháng Tư.

Được biết OPEC+ đã điều chỉnh hạ dự báo thặng dư thị trường dầu mỏ cho năm 2022 khoảng 200.000 thùng/ngày xuống còn 1,1 triệu thùng/ngày trước cuộc họp.

Một báo cáo của ủy ban kỹ thuật được Reuters xem xét vào Chủ nhật cũng cho thấy dự trữ ở các nước phát triển giảm xuống 62 triệu thùng vào cuối năm 2022, thấp hơn mức trung bình từ 2015 đến 2019, càng cho thấy rõ sự thắt chặt của thị trường.

Trong khi đó, một báo cáo riêng cho thấy OPEC+ sản ​​xuất ít hơn 972.000 thùng/ngày so với mục tiêu đã thống nhất vào tháng 1 năm 2022.

Ông Hynes của ANZ cho biết: “Thị trường quá eo hẹp cùng với việc các nhà sản xuất OPEC cũng đang gặp khó khăn trong việc tăng sản lượng, có nghĩa là bất kỳ vấn đề nào với nguồn cung của Nga cũng sẽ gây ảnh hưởng đáng kể trên toàn thị trường”.

Bản tin dầu thô sáng 28/02/2022

Giá dầu tăng hơn 7 USD vào lúc mở phiên giao dịch ngày đầu tuần sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đặt lệnh răn đe hạt nhân của nước này trong tình trạng báo động cao khi đối mặt với các quốc gia phương Tây và Nhật Bản tăng cường trừng phạt đối với các ngân hàng Nga.

Cảnh báo hạt nhân và hạn chế thanh toán qua ngân hàng làm dấy lên lo ngại rằng nguồn cung dầu từ nhà sản xuất lớn thứ hai thế giới có thể bị gián đoạn khi Nga ngày càng tiến sâu sau cuộc xâm lược của họ vào nước láng giềng Ukraine.

Dầu thô Brent giao tháng 4 tăng 5,06 USD tương đương 5,17% lên 102,99 USD/thùng, sau khi chạm mức cao 105,07 USD/thùng ngay sau khi mở cửa giao dịch. Hợp đồng này sẽ hết hạn vào ngày hôm nay.

Giá dầu thô WTI giao tháng 4 cũng tăng 4,38 USD, tương đương 4,78%, ở mức 95,97 USD/thùng, sau khi chạm mức cao 98,94 USD ngay sau khi mở cửa.

Tổng thống Putin đã tăng mức độ nguy hiểm vào Chủ nhật, ra lệnh cho "lực lượng răn đe" của Nga - lực lượng sử dụng vũ khí hạt nhân – sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao, viện dẫn lý do tuyên bố gây hấn của các lãnh đạo NATO và phạm vi trừng phạt kinh tế mà phương Tây áp đặt đối với Nga.

"Quyết định của Tổng thống Putin đặt các lực lượng hạt nhân của Nga trong tình trạng báo động cao là một sự leo thang rõ ràng và đáng lo ngại có thể hỗ trợ cho giá dầu. Tôi nghĩ rằng giá sẽ có một số đợt tăng vào buổi sáng", Stephen Brennock của hãng môi giới dầu PVM nói với Reuters.

Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo sẽ phối hợp với các quốc gia khác để xả dầu từ kho dự trữ chiến lược.

Đợt xả dầu dự trữ mới “có ảnh hưởng đến tâm lý nhưng ảnh hưởng thực tế cần thêm vài tuần để xác nhận”, Phil Flynn, nhà phân tích cấp cao tại Price Futures Group, Chicago, bang Illinois, nói.

OPEC cùng các đồng minh, tức OPEC+, trong tuần sẽ họp bàn chính sách sản lượng cho tháng 4.

Các công ty năng lượng Mỹ trong tuần trước triển khai thêm 5 giàn khoan dầu và khí đốt, nâng tổng số giàn khoan đang hoạt động lên 650 giàn khoan, theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes.