Bản tin dầu thô chiều 26/9/2022
Giá dầu giảm ngày thứ hai do lo ngại nhu cầu nhiên liệu giảm từ cuộc suy thoái toàn cầu dự kiến bởi lãi suất trên toàn thế giới tăng và khi đồng đô la Mỹ mạnh hơn làm hạn chế khả năng mua dầu thô của người tiêu dùng không sử dụng đô la.
Giá dầu Brent giao tháng 11 giảm 54 cent, tương đương 0,63%, xuống 85,61 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao tháng 11 cũng giảm 48 cent, tương đương 0,61% xuống 78,26 USD/thùng.
Cả hai hợp đồng đều rớt khoảng 5% vào thứ Sáu, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 01.
Chỉ số đô la Mỹ đã leo lên mức cao nhất trong 20 năm vào thứ Hai.
Đồng bạc xanh mạnh hơn có xu hướng làm hạn chế nhu cầu dầu tính bằng đồng đô la vì người mua sử dụng các đồng tiền khác phải chi nhiều hơn để mua dầu thô.
Các ngân hàng trung ương ở nhiều quốc gia tiêu thụ dầu, trong đó có Mỹ, đã tăng lãi suất để chống lại lạm phát leo thang, dẫn đến lo ngại việc thắt chặt tiền tệ có thể gây ra suy thoái kinh tế.
"Bối cảnh chính sách tiền tệ toàn cầu được thắt chặt bởi các ngân hàng trung ương chủ chốt để kiềm chế lạm phát, và đồng bạc xanh tăng giá mạnh lên mức cao nhất trong hơn hai thập kỷ đã làm dấy lên lo ngại về sự trì trệ kinh tế và đang đóng vai trò như một lực cản đối với giá dầu thô”, Sugandha Sachdeva, phó chủ tịch nghiên cứu hàng hóa tại Religare Broking nhận định.
Sachdeva dự báo giá WTI có thể tìm thấy mức sàn 75 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent, mức 80 USD sẽ đóng vai trò như một mức hỗ trợ.
Những gián đoạn trên thị trường dầu do cuộc chiến Nga-Ukraine, khi các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu cấm dầu thô của Nga bắt đầu có hiệu lực vào tháng 12, đã hỗ trợ một phần cho giá.
Giám đốc điều hành của hãng kinh doanh năng lượng Vitol, Russell Hardy, cho biết việc vận chuyển nhiên liệu đang bị ảnh hưởng bởi các sản phẩm dầu của Nga dự kiến sẽ chảy sang châu Á và Trung Đông trong khi nguồn cung từ hai nơi này sẽ đi tới châu Âu.
Ngoài ra, Hardy cho biết tại một hội nghị dầu mỏ ở Singapore rằng hơn một triệu thùng dầu mỗi ngày của Mỹ dự kiến sẽ đến châu Âu để lấp đầy khoảng trống về nguồn cung của Nga.
Người đứng đầu công ty năng lượng nhà nước Colombia Ecopetrol cũng cho biết tại hội nghị này rằng công ty đã bán nhiều dầu hơn cho châu Âu, để thay thế nguồn cung của Nga, trong khi nhận thấy sự cạnh tranh ngày càng tăng để giành thị phần ở châu Á.
Sự chú ý đang chuyển sang Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, hay còn gọi OPEC+ có thể làm khi nhóm họp vào ngày 5 tháng 10, sau khi đồng ý cắt giảm sản lượng một cách khiêm tốn tại cuộc họp mới đây.
Tuy nhiên, vì OPEC+ đang sản xuất thấp hơn sản lượng mục tiêu nên bất kỳ sự cắt giảm nào được công bố cũng có thể không ảnh hưởng nhiều đến nguồn cung.
Dữ liệu tuần trước cho thấy OPEC+ đã sản xuất thấp hơn mục tiêu 3,58 triệu thùng/ngày trong tháng 8, mức thiếu hụt lớn hơn so với tháng 7.