Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tin vắn ngày 25/03/2022

Bản tin dầu thô chiều 25/3/2022

Giá dầu giảm khoảng 1 USD vào sáng thứ Sáu khi Mỹ và các đồng minh xem xét giải phóng thêm dầu từ kho dự trữ nhằm hạ nhiệt thị trường và khi các nhà giao dịch phải đối mặt với chi phí giao dịch hợp đồng tương lai chuẩn dầu Brent cao hơn.

Theo đó, dầu thô Brent giao tháng 5 giảm 1,07 USD, tương đương 0,9%, xuống 117,96 USD/thùng, sau khi trượt 2,1% trong phiên trước.

Giá dầu thô WTI giao tháng 5 cũng giảm 1,2 USD, tương đương 1,1% ở mức 111,14 USD/thùng, sau khi giảm 2,3% trong phiên trước.

Bất chấp sự sụt giảm này, cả hai hợp đồng đều hướng tới tuần tăng đầu tiên sau ba tuần, với dầu Brent đang trên đà tăng 10% và WTI tăng 7% trong bối cảnh lo ngại nhiều hơn về khủng hoảng nguồn cung do các lệnh trừng phạt đối với Nga, nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai thế giới.

Lo ngại về nguồn cung gia tăng sau khi cảng trên bờ Biển Đen của Nga thuộc tập đoàn Caspian Pipeline Consortium (CPC) ngừng xuất khẩu vào hôm thứ Tư sau khi bị thiệt hại bởi một cơn bão lớn.

Kazazkstan cho biết hôm thứ Năm rằng họ hy vọng CPC sẽ khôi phục việc vận chuyển dầu thô trong vòng một tháng, nhưng nói thêm rằng họ có thể chuyển hướng một số dầu tới các tàu chở dầu trên Biển Caspi và các đường ống dẫn đến Samara của Nga và đến Trung Quốc.

Để phản ánh sự biến động của thị trường, Sàn giao dịch Liên lục địa (NYSE: ICE) đã tăng tỷ lệ ký quỹ cho hợp đồng tương lai Brent lên 19% cho hợp đồng tháng 5 tính đến thứ Sáu, đánh dấu lần tăng thứ ba trong năm nay và khiến giá giao dịch đắt hơn.

Tỷ lệ ký quỹ tương lai tăng lên khi thị trường biến động, buộc các nhà giao dịch phải tăng số tiền ký quỹ mà họ nắm giữ tại sàn giao dịch cho mỗi hợp đồng để chứng minh có thể thực hiện các nghĩa vụ của mình.

Ngoài ra, việc Hoa Kỳ và các đồng minh đang thảo luận về việc có thể phối hợp hơn nữa trong việc giải phóng dầu từ kho dự trữ cũng góp phần khiến giá dầu sụt giảm, Bộ trưởng Năng lượng Hoa Kỳ Jennifer Granholm cho biết hôm thứ Năm.

Trong một diễn biến khác, Hoa Kỳ dự kiến công bố một thỏa thuận vào thứ Sáu để cung cấp cho châu Âu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhiều hơn trong năm nay và năm tới, các nguồn tin thân cận nói với Reuters.

Bản tin dầu thô sáng ngày 25/03/2022

Giá dầu giảm trong phiên tối ngày thứ Năm (24/3), khi Mỹ và các đồng minh thảo luận về khả năng phối hợp giải phóng thêm dự trữ dầu để giúp ổn định thị trường năng lượng sau cuộc tấn công của Nga vào Ukraine.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng dầu Brent lùi 2,57 USD (tương đương 2,11%) xuống 119,03 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI mất 2,59 USD (tương đương 2,25%) còn 112,34 USD/thùng.

Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm cho biết trong một cuộc họp báo tại trụ sở Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ở Paris rằng: “Về các kho dự trữ khẩn cấp, đã có những cuộc thảo luận đang diễn ra và tất cả những công cụ đó chắc chắn sẽ được xem xét”.

Giám đốc điều hàn IEA Fatih Birol cho biết các nước IEA đã đoàn kết trong việc tìm cách giảm triệt để nhập khẩu dầu khí của Nga.

Góp phần làm tăng tâm lý tiêu cực trên thị trường, các quan chức Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã bày tỏ sự không hài lòng đối với Liên minh châu Âu (EU) về đề xuất cấm vẫn dầu Nga, các nguồn tin OPEC cho biết.

Giao dịch trong phiên khá biến động. Vào đầu phiên, hợp đồng dầu WTI và dầu Brent tăng khoảng 2 USD/thùng do lo ngại kéo dài về nguồn cung bao gồm các báo cáo rằng xuất khẩu dầu thô từ cảng Caspian Pipeline Consortium (CPC) của Kazakhstan đã hoàn toàn tạm dừng sau thiệt hại do bão.

Nhà đầu tư cũng chờ đợi xem các biện pháp trừng phạt của phương Tây sẽ thắt chặt như thế nào đối với Nga về cuộc tấn công Ukraine.

Đà suy giảm của giá dầu trong ngày thứ Năm đã bị kìm hãm với sự sụt giảm dầu thô của Mỹ trong kho Dự trữ Chiến lược (SPR), vốn đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2002, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết vào ngày 23/3.

Làm tăng thêm lo ngại về nguồn cung sẵn có, tiến triển chậm chạp trong các cuộc đàm phán về một thỏa thuận giữa các cường quốc thế giới và Iran về thỏa thuận hạt nhân Iran có nghĩa là triển vọng dầu thô của Iran quay trở lại thị trường đang bị đẩy lùi.