Bản tin dầu thô chiều 24/10/2023
Giá dầu tăng vào đầu phiên giao dịch châu Á hôm thứ Ba, lấy lại phần nào mức đã để mất trong phiên hôm trước, khi các nhà đầu tư vẫn lo lắng rằng cuộc chiến Israel-Hamas có thể leo thang thành một cuộc xung đột rộng hơn ở khu vực xuất khẩu dầu, gây ra khả năng gián đoạn nguồn cung.
Giá dầu thô Brent kỳ hạn tăng 70 cent, tương đương 0,8%, lên 90,53 USD/thùng, trong khi giá dầu thô WTI tăng 71 cent, tương đương 0,8%, lên 86,20 USD/thùng.
Yuki Takashima, chuyên gia kinh tế tại Nomura Securities, nhận định: “Thị trường đang điều chỉnh sau khi sụt giảm trong hai phiên vừa qua và do lo ngại dai dẳng về khả năng gián đoạn nguồn cung ở Trung Đông”.
Cả hai chuẩn dầu đều giảm hơn 2% vào thứ Hai khi xuất hiện các nỗ lực ngoại giao ở Trung Đông, khu vực cung cấp dầu lớn nhất thế giới, nhằm ngăn chặn xung đột giữa Israel và Hamas làn rộng, đã giúp giảm bớt lo lắng của nhà đầu tư về sự gián đoạn nguồn cung.
Hamas hôm thứ Hai cho biết đã thả hai phụ nữ Israel nằm trong số hơn 200 con tin bị bắt trong vụ tấn công ngày 7 tháng 10 ở miền nam Israel, trong khi các nguồn tin cho biết Mỹ đã khuyên Israel nên tạm dừng một cuộc tấn công trên bộ ở Dải Gaza.
Nhưng Israel vẫn tiếp tục bắn phá Gaza vào hôm thứ Hai sau khi tiến hành các cuộc không kích vào miền nam Lebanon trong đêm.
Israel đã tấn công hàng trăm mục tiêu ở Gaza từ trên không hôm thứ Hai khi binh lính nước này chiến đấu với phiến quân Hamas trong các cuộc đột kích vào dải đất Palestine bị bao vây, nơi số người chết đang tăng vọt và dân thường bị mắc kẹt trong tình trạng khốn khổ.
Takashima cho biết: “Chúng tôi dự đoán WTI sẽ di chuyển trong phạm vi 80-90 USD trong một thời gian, mọi sự chú ý sẽ tập trung vào tình hình ở Israel và Gaza, sản xuất của OPEC cũng như tốc độ phục hồi nhu cầu ở Trung Quốc và dữ liệu tồn kho của Mỹ”.
Một cuộc thăm dò sơ bộ của Reuters cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ dự kiến tăng trong tuần trước, trong khi tồn kho sản phẩm chưng cất và xăng giảm.
Cuộc thăm dò được tiến hành trước khi có báo cáo từ Viện Dầu khí Hoa Kỳ và Cơ quan Thông tin Năng lượng.
Giá dầu đã ghi nhận hai tuần tăng mạnh nhưng không ổn định sau khi cuộc chiến Israel-Hamas bắt đầu. Nhưng giá đã giảm mạnh trong tuần này khi giới đàu tư chốt lời và không có bất kỳ sự leo thang lớn nào trong cuộc xung đột.
Trọng tâm trong tuần này hiện là các số liệu hoạt động kinh doanh quan trọng từ Mỹ và các nền kinh tế lớn khác, cũng như cuộc họp của Ngân hàng Trung ương Châu Âu để có thêm tín hiệu về nền kinh tế toàn cầu cũng như nhu cầu dầu trong tương lai.
Chỉ số quản lý mua hàng (PMI) từ Australia và Nhật Bản được công bố vào đầu ngày hôm nay cho thấy hoạt động kinh doanh ở hai nền kinh tế này vẫn yếu cho đến tháng 10.
Thị trường hiện đang chờ dữ liệu PMI sơ bộ từ Mỹ, được công bố vào cuối ngày, để đánh giá tình trạng hoạt động kinh doanh tại quốc gia tiêu thụ nhiên liệu lớn nhất thế giới.
Cả PMI sản xuất và dịch vụ của Mỹ dự kiến sẽ giảm trong tháng 10 do lãi suất và lạm phát cao gây sức ép lên các doanh nghiệp trong nước. Dữ liệu từ khu vực đồng euro và Vương quốc Anh cũng được cho là sẽ cho thấy xu hướng tương tự, có khả năng báo trước hoạt động kinh tế yếu hơn và nhu cầu nhiên liệu thấp trong những tháng tới.
Các số liệu này được đưa ra ngay trước cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang vào tuần tới, nơi ngân hàng trung ương được cho là sẽ giữ nguyên lãi suất. Nhưng Fed cũng được cho là sẽ phát tín hiệu giữ lãi suất ở mức cao lâu hơn.
Lãi suất cao hơn là nguyên nhân chính gây lo lắng cho thị trường dầu mỏ trong năm qua, vì các nhà giao dịch lo ngại rằng hoạt động kinh tế sẽ hạ nhiệt trong môi trường như vậy, làm ảnh hưởng đến nhu cầu dầu.
Tuy nhiên, quan niệm này phần nào được bù đắp bởi những dấu hiệu nguồn cung dầu bị thắt chặt đáng kể trong năm nay, sau khi Ả Rập Saudi và Nga tiếp tục cắt giảm nguồn cung. Tồn kho của Mỹ cũng liên tục giảm trong năm nay, trong khi chính quyền Biden gần đây đã lên kế hoạch bắt đầu nạp lại Kho dự trữ dầu mỏ chiến lược.