Bản tin dầu thô chiều 22/11/2022
Giá dầu nhích cao hơn vào thứ Ba khi đồng đô la giảm giá, nhưng lo lắng về suy thoái kinh tế toàn cầu và số ca nhiễm COVID-19 gia tăng ở Trung Quốc làm giảm nhu cầu từ nhà nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới đã đè nặng lên tâm lý.
Dầu thô Brent giao tháng 01 tăng 44 cent, tương đương 0,5%, lên 87,89 USD/thùng. Hợp đồng dầu thô WTI giao tháng 01 tăng 30 cent, tương đương 0,4%, lên 80,34 USD/thùng.
Cả hai chuẩn dầu đã rớt hơn 5 đô la một thùng vào thứ Hai, chạm mức thấp nhất trong 10 tháng, sau khi Tạp chí Phố Wall (WSJ) đưa tin mức tăng lên tới 500.000 thùng mỗi ngày sẽ được xem xét tại cuộc họp của OPEC+ vào ngày 04 tháng 12.
Tuy nhiên, giá nhanh chóng phục hồi trở lại sau khi Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê út, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman cho biết vương quốc này kiên trì với việc cắt giảm sản lượng và không thảo luận về khả năng tăng sản lượng dầu với các nhà sản xuất khác của OPEC, hãng thông tấn nhà nước SPA đưa tin, phủ nhận thông tin của WSJ.
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) gần đây đã cắt giảm mục tiêu sản xuất và Bộ trưởng năng lượng của Ả Rập Xê Út cho biết trong tháng 11 rằng liên minh này sẽ vẫn thận trọng về sản lượng dầu do sự không chắc chắn về nền kinh tế toàn cầu.
Nhà phân tích Tina Teng của CMC Markets nhận định, sự sụt giảm của đồng đô la Mỹ là yếu tố chính hỗ trợ giá dầu sau khi phục hồi vào thứ Hai. Đồng bạc xanh yếu hơn khiến dầu rẻ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Những lo ngại về nhu cầu dầu trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed thắt chặt lãi suất và các chính sách phong tỏa nghiêm ngặt của Trung Quốc đang lấn át các yếu tố thúc đẩy giá tích cực tiềm năng như lệnh cấm vận của Liên minh Châu Âu đối với dầu thô của Nga bắt đầu có hiệu lực vào ngày 5 tháng 12, Stephen Innes, đối tác quản lý tại SPI Asset Management, cho biết trong một lưu ý.
Lệnh cấm, nhằm trả đũa việc Nga xâm lược Ukraine, sẽ được theo sau bởi việc ngừng nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ vào tháng Hai.
Một kế hoạch của G7 cũng sẽ có hiệu lực vào ngày 5 tháng 12 sẽ cho phép các nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển giúp xuất khẩu dầu của Nga, nhưng chỉ với mức giá thấp bắt buộc.
Innes cho biết: “Rủi ro nghiêm trọng đối với chính sách trần giá là khả năng Nga trả đũa, động thái này sẽ trở thành một cú sốc tăng giá bổ sung cho thị trường dầu mỏ”.
Nhưng trong khi chờ đợi, số ca nhiễm COVID mới tăng đột biến tại Trung Quốc càng làm tăng lo ngại về nền kinh tế của nước này.
Bắc Kinh đóng cửa các công viên và bảo tàng vào thứ Ba và nhiều thành phố của Trung Quốc đã tiến hành xét nghiệm hàng loạt. Bắc Kinh hôm thứ Hai cảnh báo nơi đây đang phải đối mặt với thử thách nghiêm trọng nhất của đại dịch và thắt chặt các quy tắc khi vào thành phố.
Nhập khẩu dầu của Trung Quốc đã chậm lại đáng kể trong năm nay, và mặc dù có một sự tăng vọt bất ngờ trong tháng 10, nhưng nhìn chung dự kiến sẽ vẫn im ắng trong những tháng tới. Quốc gia này cũng đã tăng hạn ngạch xuất khẩu, có thể cho thấy sự dư thừa trong các kho dự trữ trong nước.
Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs đã cắt giảm dự báo giá dầu cho năm nay, với lý do kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại.
Ngoài ra, giá dầu thô cũng giảm do lo ngại về suy thoái kinh tế Mỹ, đặc biệt là khi một số thành viên Cục Dự trữ Liên bang cho rằng lãi suất của Mỹ sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Những lo lắng về lạm phát kéo dài và lãi suất cao có thể cản trở tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới. OPEC gần đây đã cắt giảm dự báo nhu cầu dầu năm 2022 và 2023 với lý do lo ngại tương tự.
Trong một diễn biến khác, ước tính dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm khoảng 2,2 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 18 tháng 11, một cuộc thăm dò sơ bộ của Reuters cho thấy hôm thứ Hai.
Chênh lệch giá dầu thô Brent kỳ hạn trước 1 tháng đã thu hẹp mạnh vào tuần trước, trong khi WTI chuyển sang trạng thái bù hoãn mua (contango), điều này cho thấy mối lo ngại về nguồn cung đang giảm bớt.