Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tin vắn ngày 21/08/2020

Bản tin dầu thô chiều 21/8/2020

Giá dầu tăng vào đầu phiên giao dịch hôm thứ Sáu, đang trên đà tăng tuần thứ ba liên tiếp, được thúc đẩy bởi nỗ lực của các nhà sản xuất dầu lớn để kìm hãm sản lượng trong bối cảnh lo ngại về sự phục hồi kinh tế từ đại dịch coronavirus.

Giá dầu thô WTI tăng 8 cent, tương đương 0,2% lên 42,90 USD/thùng, hướng tới mức tăng 2% trong tuần.

Dầu thô Brent tăng 16 cent, tương đương 0,4% lên 44,07 USD/thùng, hướng tới mức tăng hàng tuần khoảng 0,5%.

Cả hai chuẩn dầu đều giảm khoảng 1% vào hôm thứ Năm do lo ngại về kinh tế sau khi báo cáo thất nghiệp hàng tuần của Mỹ tăng cao hơn dự kiến.

Trong khi đó, báo cáo nội bộ của tổ chức OPEC + tập trung vào việc đảm bảo rằng các thành viên đã sản xuất quá mức so với cam kết của họ sẽ cắt giảm sản lượng bù.

Reuters đưa tin rằng OPEC + nhận thấy một số thành viên sẽ cần cắt giảm sản lượng 2,31 triệu thùng mỗi ngày để bù đắp cho tình trạng dư cung gần đây.

Louis Crous, giám đốc đầu tư tại BetaShares Capital cho biết: "Họ thực sự tập trung vào việc tuân thủ của các thành viên OPEC. Họ đã nêu tên Iraq và Nigeria về việc không tuân thủ. Tất cả điều đó đều tốt cho việc hỗ trợ giá”.

Báo cáo nội bộ nêu rõ rủi ro về nhu cầu, cho thấy OPEC + dự kiến ​​nhu cầu dầu trong năm 2020 sẽ giảm 9,1 triệu thùng/ngày, nhiều hơn 100.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó.

Và tổ chức này nhận thấy rằng nếu đợt lây nhiễm thứ hai kéo dài ảnh hưởng tới Trung Quốc, Ấn Độ, Châu Âu và Mỹ trong nửa cuối năm, nhu cầu có thể giảm 11,2 triệu thùng/ngày vào năm 2020.

Lachlan Shaw, trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa của Ngân hàng Quốc gia Úc (OTC: NABZY) cho biết: “Dự báo của tôi là nhu cầu tiếp tục phục hồi khá khó khăn”.

Các nhà phân tích cho biết họ dự đoán giá dầu Brent giữ gần 45 USD/thùng nhưng không kỳ vọng thị trường sẽ tăng cao hơn nhiều trong thời gian tới. 

Bản tin dầu thô sáng ngày 21/8/2020

Giá dầu tương lai đã kết thúc hôm thứ Năm thấp hơn, chịu áp lực sau sự gia tăng con số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần đã làm tăng thêm lo ngại về triển vọng nhu cầu đã bị lung lay trong biên bản của cuộc họp mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang.

West Texas Intermediate giao tháng 9 CL.1, giảm 35 cent, tương đương 0,8%, kết thúc ở mức 42,58 USD/thùng, trong khi WTI CLV20 tháng 10, hợp đồng giao dịch tích cực nhất, giảm 29 cent, tương đương 0,7% , còn 42,82 trên New York Mercantile Exchange.

Chuẩn toàn cầu, dầu thô Brent BRNV20 tháng 10, giảm 47 cent, tương đương 1%, ở mức 44,90 USD/thùng trên ICE Futures Europe.

David Madden, nhà phân tích tại CMC Markets cho biết: “Thị trường năng lượng được coi là một phong vũ biểu tốt cho nhu cầu toàn cầu và thấy là các nhà kinh doanh ít lạc quan hơn về tình hình nền kinh tế toàn cầu theo biên bản cuộc họp của Fed [hôm thứ Tư], thì dầu đã sụt giảm.

Giá dầu thô kỳ hạn vẫn duy trì giảm sau khi dữ liệu cho thấy số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tiên hàng tuần của Mỹ đã tăng trở lại trên 1 triệu đơn vào tuần trước.

Biên bản cuộc họp ngày 28-29 tháng 7 của Fed được công bố vào chiều thứ Tư cho biết các nhà kinh tế nói với các nhà hoạch định chính sách rằng họ đang giảm ước tính tăng trưởng kinh tế trong nửa cuối năm.

Trong khi đó, cuộc họp của Ủy ban Giám sát Bộ trưởng của liên minh OPEC+ hôm thứ Tư không có gì gây ngạc nhiên khi các bộ trưởng duy trì cắt giảm sản lượng 7,7 triệu thùng/ngày, nhưng nhấn mạnh sự cần thiết của các quốc gia không cắt giảm đủ trong những tháng trước cần cắt giảm bù trong tháng này. và tháng sau.

Hỗ trợ trong phiên giao dịch ngày thứ Tư cũng được gắn với dữ liệu tồn kho hàng tuần từ Cơ quan Thông tin Năng lượng, cho biết tồn kho dầu thô của Mỹ tuần trước đã giảm 1,6 triệu thùng, trong khi tồn kho xăng giảm 3,3 triệu thùng. Dầu đã chịu áp lực sau khi API vào cuối ngày thứ Ba thông báo tồn kho xăng tăng, đây sẽ là một dấu hiệu giảm giá trong giai đoạn cuối của mùa lái xe mùa hè. EIA cho biết tồn kho sản phẩm chưng cất tăng 200.000 thùng.

Nhưng dữ liệu không xua tan được nỗi lo về nhu cầu khi nền kinh tế tiếp tục vật lộn với đại dịch COVID-19.

Theo các nhà phân tích tại ngân hàng Commerzbank, nhu cầu xăng giảm còn 8,6 triệu thùng/ngày, thấp hơn khoảng 10% so với các năm trước. Dự trữ xăng giảm có lẽ không chỉ do sản lượng xăng giảm mà còn do nhập khẩu xăng giảm, giảm gần một nửa xuống còn 557.000 thùng/ngày.