Bản tin dầu thô chiều 20/4/2023
Giá dầu giảm trong phiên giao dịch châu Á sáng thứ Năm do đồng đô la Mỹ mạnh lên bởi kỳ vọng tăng lãi suất và sau khi dữ liệu kinh tế gần đây từ Mỹ và Trung Quốc không đủ để khuyến khích kỳ vọng rằng nhu cầu sẽ cải thiện.
Dầu thô Brent kỳ hạn giảm 78 cent, 0,94% ở mức 82,34 USD/thùng. Hợp đồng tương lai dầu thô WTI cũng giảm 95 cent, tương đương 1,2%, xuống còn 78,21 USD/thùng.
Cả hai chuẩn dầu, giảm trong ngày thứ hai sau khi mất 2% vào thứ Tư, đang ở mức thấp nhất kể từ khi OPEC+ tuyên bố cắt giảm sản lượng bất ngờ vào ngày 2 tháng Tư.
Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại OANDA, nhận định: “Dầu thô WTI đã quay trở lại dưới mức 80 USD và nó có thể tiếp tục giảm xuống nếu đồng USD mạnh trở lại”.
Chỉ số đô la Mỹ đã tăng khoảng 0,4% trong suốt tuần này. Đồng bạc xanh mạnh lên khiến giá dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Tina Teng, nhà phân tích tại CMC Markets ở Auckland, cho biết: "Đồng USD mạnh đã gây áp lực lên thị trường dầu mỏ trong tuần này do khả năng Fed tiếp tục nâng lãi suất tăng lên khi lợi suất trái phiếu bắt đầu tăng trở lại".
"Mặc dù Trung Quốc báo cáo dữ liệu GDP tốt hơn mong đợi, cả sản xuất công nghiệp và đầu tư tài sản cố định đều thiếu dữ liệu đồng thuận, điều này không giúp thúc đẩy giá dầu," bà nói thêm.
Theo một báo cáo của Cục Dự trữ Liên bang được công bố hôm thứ Tư, hoạt động kinh tế nước này ít thay đổi trong những tuần gần đây, với tăng trưởng việc làm giảm nhẹ và giá cả tăng có vẻ chậm lại.
"Điều này khiến thị trường bất ổn, làm trầm trọng thêm những lo ngại gần đây rằng việc thắt chặt tiền tệ đã làm suy yếu nhu cầu dầu, trong khi thị trường phớt lờ báo cáo tồn kho EIA tương đối lạc quan," ANZ Research cho biết trong một lưu ý khách hàng.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), dự trữ dầu thô giảm 4,6 triệu thùng trong tuần trước khi công suất lọc dầu và xuất khẩu tăng, trong khi tồn kho xăng bất ngờ tăng do nhu cầu đáng thất vọng.
Dự trữ dầu thô giảm mạnh hơn nhiều so với ước tính 1,1 triệu thùng của các nhà phân tích và ước tính của Viện Dầu khí Hoa Kỳ vào cuối ngày thứ Ba là 2,7 triệu thùng.
Về phía cung, lượng dầu bốc dỡ từ các cảng phía tây của Nga trong tháng 4 có thể tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2019, trên 2,4 triệu thùng/ngày, bất chấp cam kết cắt giảm sản lượng của Moscow, các nguồn tin giao dịch và vận chuyển cho biết.