Bản tin dầu thô chiều 19/5/2022
Giá dầu tăng trở lại sau khi giảm vào đầu phiên sáng thứ Năm, với hy vọng việc nới lỏng các hạn chế theo kế hoạch ở Thượng Hải có thể cải thiện nhu cầu nhiên liệu trong khi lo ngại về nguồn cung toàn cầu thắt chặt lấn át lo ngại về tăng trưởng kinh tế chậm hơn.
Giá dầu Brent giao tháng 7 tăng 1,53 USD, tương đương 1,4% lên 110,64 USD/thùng, sau khi giảm hơn 1 USD trước đó trong phiên.
Giá dầu thô WTI giao tháng 6 tăng 93 cent, tương đương 0,8% lên 110,52 USD/thùng, phục hồi sau mức giảm hơn 2 USD. Hợp đồng WTI giao tháng 7 cũng tăng 1,57 USD, tương đương 1,5%, ở mức 108,50 USD/thùng.
Satoru Yoshida, một nhà phân tích hàng hóa của Rakuten Securities, cho biết: “Sự sụt giảm ở Phố Wall đã làm suy yếu tâm lý vào đầu phiên giao dịch vì nó cho thấy rõ mối lo ngại về sự suy yếu tiêu thụ và nhu cầu nhiên liệu”.
Chứng khoán châu Á hôm thứ Năm theo sau đợt bán tháo mạnh của Phố Wall khi các nhà đầu tư lo lắng về lạm phát toàn cầu gia tăng, chính sách không COVID của Trung Quốc và cuộc chiến tại Ukraine.
Yoshida cho biết: “Tuy nhiên, thị trường dầu đang giữ xu hướng tăng giá do lệnh cấm nhập khẩu đang chờ quyết định của Liên minh châu Âu đối với dầu thô của Nga được cho là sẽ làm thắt chặt hơn nữa nguồn cung toàn cầu”.
Liên minh châu Âu trong tháng này đã đề xuất một gói trừng phạt mới đối với Nga vì hành động xâm lược Ukraine. Điều này sẽ bao gồm lệnh cấm hoàn toàn đối với nhập khẩu dầu trong thời gian 6 tháng, nhưng các biện pháp này vẫn chưa được thông qua, trong đó Hungary là một trong những nước chỉ trích kế hoạch này nhiều nhất.
Hôm thứ Tư, Ủy ban châu Âu đã công bố kế hoạch trị giá 210 tỷ euro (220 tỷ đô la) để châu Âu chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2027, và thoát khỏi Moscow để nhanh chóng chuyển đổi sang năng lượng xanh.
Ngoài ra, tồn kho dầu thô của Mỹ đã bất ngờ sụt giảm 3,39 triệu thùng vào tuần trước, khi các nhà máy lọc dầu tăng sản lượng do tồn kho sản phẩm khan hiếm và xuất khẩu gần kỷ lục đã buộc giá dầu diesel và xăng của Mỹ lên mức kỷ lục.
Theo đó, công suất sử dụng ở cả Bờ Đông và duyên hải vịnh Mexico của Mỹ đều đạt trên 95%, đưa các nhà máy lọc dầu này gần đạt tốc độ vận hành cao nhất có thể.
Tại Trung Quốc, các nhà đầu tư đang theo dõi sát các kế hoạch tại thành phố đông dân nhất của nước này, Thượng Hải, để nới lỏng bớt các hạn chế kể từ ngày 1 tháng 6, điều này có thể dẫn đến sự phục hồi nhu cầu dầu tại nhà nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới.
Stephen Innes từ SPI Asset Management cho biết tin tức về việc Thượng Hải có kế hoạch dần nối lại các phương tiện giao thông công cộng liên quận từ ngày 22/5 là tích cực và hỗ trợ giá dầu.