Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tin vắn ngày 19/05/2021

Bản tin dầu thô chiều 19/5/2021

Giá dầu giảm ngày thứ hai trong phiên sáng thứ Tư do nguồn cung Iran có khả năng quay trở lại và khi các nhà đầu tư bán ra do đồn đoán rằng lo ngại lạm phát có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed tăng lãi suất, điều này có thể làm hạn chế tăng trưởng kinh tế.

Giá dầu thô kỳ hạn WTI giảm 73 cent, tương đương 1,1% xuống 64,76 USD/thùng, sau khi giảm 1,2% vào thứ Ba.

Dầu thô Brent giao sau cũng giảm 73 cent, tương đương 1,1% xuống 67,98 USD/thùng, sau khi giảm 1,1% vào hôm thứ Ba.

Nhà kinh tế cấp cao Justin Smirk của Westpac cho biết: “Cảm nhận rủi ro cao đang diễn ra, sau khi giá dầu giảm và thị trường chứng khoán lao dốc do các nhà đầu tư bán ra nhiều tài sản mang tính đầu cơ hơn”.

Smirk cho biết suy đoán rằng Cục Dự trữ Liên bang có thể tăng lãi suất vì lo ngại lạm phát đè nặng lên triển vọng tăng trưởng và từ đó tác động tới nhu cầu hàng hóa.

"Fed rất nghiêm túc (về việc giữ lãi suất thấp), nhưng thị trường đang suy đoán về động thái trước đó", ông nói.

Fed đã chỉ ra rằng lãi suất sẽ giữ ở mức thấp hiện tại cho đến năm 2023 mặc dù thị trường tương lai cho thấy các nhà đầu tư tin rằng lãi suất có thể bắt đầu được nâng lên vào tháng 9 năm 2022.

Giá dầu cũng chịu áp lực trong bối cảnh các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Iran được báo cáo đang tiến triển nhằm khôi phục một thỏa thuận hạn chế chương trình hạt nhân của nước này, có thể dẫn đến việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và phục hồi xuất khẩu dầu của Iran.

Nhà phân tích hàng hóa Vivek Dhar của Commonwealth Bank cho biết: "Trong trường hợp xấu nhất cho giá dầu, khoảng 1,5% nguồn cung dầu toàn cầu có thể xuất hiện trong vòng chưa tới 6 tháng”.

Các nhà đầu tư sẽ theo dõi dữ liệu dự trữ sản phẩm và dầu thô mới nhất từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ EIA sẽ có vào ngày thứ Tư.

Dữ liệu từ Viện Dầu mỏ Mỹ API hôm thứ Ba cho thấy tồn kho dầu thô tăng 620.000 thùng trong tuần kết thúc vào ngày 14/5, trong khi dự trữ xăng giảm 2,8 triệu thùng và dự trữ sản phẩm chưng cất giảm 2,6 triệu thùng.

Mức tăng dự trữ dầu thô thấp hơn mức tăng trung bình 1,6 triệu thùng mà các nhà phân tích đã ước tính trong một cuộc thăm dò của Reuters, trong khi sự sụt giảm trong dự trữ xăng và sản phẩm chưng cất lớn hơn dự đoán.

Bản tin dầu thô sáng ngày 19/5/2021

Giá dầu giảm hơn 1% vào ngày thứ Ba, rút khỏi mức cao nhất trong 2 tháng, sau khi các báo cáo truyền thông cho biết Mỹ và Iran đã đạt được tiến triển trong việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân của Iran, điều này có thể làm tăng nguồn cung cho thị trường.

Giá dầu đã giảm mạnh sau báo cáo dẫn lời Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc (UN), Mikhail Ulyanov, nói rằng đã đạt được những tiến triển đáng kể, nhưng đà giảm đã bị kiềm hãm sau khi ông Ulyanov cho biết trên Twitter rằng các nhà đàm phán cần thêm thời gian để hoàn tất thỏa thuận.

Giá dầu thô West Texas Intermediate được giao dịch tại New York, chuẩn cho dầu thô của Mỹ, giảm 78 cent, tương đương 1,2%, ở mức 65,49 USD/thùng. Trước đó, nó xuống mức thấp nhất trong phiên là 64,17.

Giá dầu Brent giao dịch tại London, chuẩn toàn cầu cho dầu thô, đóng cửa giảm 75 cent, tương đương 1,1%, ở mức 68,71 USD. Brent đã giảm xuống mức thấp nhất là 67,30 USD trong ngày.

Nếu Mỹ dỡ bỏ trừng phạt đối với Iran, nước này có thể thúc đẩy các chuyến hàng chở dầu, bổ sung vào nguồn cung toàn cầu.

“Điều đó có thể đưa đến một lượng đáng kể dầu thô vào thị trường, điều đó là lý do tại sao dầu đang giảm giá”, Bob Yawger, Giám đốc giao dịch các hợp đồng năng lượng tương lai tại Mizuho, nhận định.

Hồi đầu phiên, dầu Brent đã chạm mốc 70 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 3/2021, được thúc đẩy bởi kỳ vọng nhu cầu phục hồi.

Anh đã nới lỏng hơn nữa các lệnh hạn chế vì Covid-19 vào ngày 17/5 và châu Âu đang bắt đầu mở cửa trở lại các thành phố và bãi biển. Số ca nhiễm mới ở Mỹ tiếp tục giảm và New York đã dỡ bỏ yêu cầu đeo khẩu trang đối với những người đã được tiêm vắc-xin.

Tiến bộ của Châu Âu và Mỹ trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19 trái ngược với tình hình ở châu Á, vốn đang kiềm hãm đà tăng của giá dầu.

Singapore và Đài Loan đã áp đặt trở lại các biện pháp phong tỏa và Ấn Độ đã chứng kiến nhu cầu nhiên liệu sụt giảm sau khi áp đặt các lệnh hạn chế nhằm ngăn chặn lây nhiễm dịch bệnh.

Cũng góp phần gây sức ép lên thị trường, dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng trong tuần trước, làm tăng thêm lo ngại của nhà đầu tư về sự tăng vọt trong nguồn cung dầu toàn cầu trong bối cảnh kỳ vọng ngày càng tăng về một thỏa thuận hạt nhân Iran sắp tới.

Dự trữ dầu thô của Mỹ tăng 620.000 thùng trong tuần kết thúc vào ngày 13/5, theo ước tính do Viện Dầu mỏ Mỹ công bố hôm thứ Ba. Con số này so với mức giảm 2,5 triệu thùng do API báo cáo trong tuần trước.