Bản tin dầu thô chiều 18/5/2022
Giá tăng vào sáng thứ Tư do hy vọng nhu cầu phục hồi ở Trung Quốc khi nước này dần nới lỏng một số biện pháp ngăn chặn COVID-19 nghiêm ngặt.
Dầu Brent giao tháng 7 tăng 48 cent, tương đương 0,4%, ở mức 112,41 USD/thùng, trong khi giá dầu thô WTI giao tháng 6 tăng 93 cent, tương đương 0,8%, lên 113,33 USD/thùng, sau khi giảm khoảng 2% trong phiên trước.
Hôm thứ Ba, Thượng Hải đã đạt được cột mốc mong đợi từ lâu là trong ba ngày liên tiếp không có ca nhiễm COVID-19 mới nào bên ngoài khu vực cách ly và hôm thứ Hai đặt ra kế hoạch chấm dứt tình trạng phong tỏa kéo dài hơn sáu tuần.
Stephen Innes, đối tác quản lý tại SPI Asset Management, cho rằng: "Trong thời gian tới, những tin tức ít khủng khiếp hơn về Trung Quốc tạo ra một cú hích dưới dạng nhu cầu và giá dầu cao hơn nhiều, điều này có lợi cho các nhà sản xuất nhưng lại có hại cho tâm lý người tiêu dùng".
Nhà phân tích cấp cao Jeffrey Halley của OANDA cho biết: “Giá dầu diesel và sản phẩm chưng cất tăng vọt, cùng với dự trữ dầu thô thắt chặt đang hỗ trợ giá WTI và tôi tin rằng tình hình đó sẽ hạn chế sự giảm giá từ đây đối với giá dầu trong vài phiên tới”.
Trong khi đó, dữ liệu từ Viện Dầu mỏ Hoa Kỳ API cho thấy tồn kho dầu thô giảm 2,445 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 12 tháng 5. Dự trữ xăng cũng giảm 5,102 triệu thùng. Trong khi các kho dự trữ sản phẩm chưng cất tăng 1,075 triệu thùng. Tồn kho tại Cushing giảm 3,071 triệu thùng.
Các nhà đầu tư hiện đang chờ dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ, sẽ được công bố vào tối nay.
Còn tại Nga, sản lượng đã giảm gần 9% vào tháng 4 năm 2022 và mức sản xuất của nước này giảm nhiều so với hạn ngạch theo thỏa thuận của Tổ chức OPEC+.
Tuy nhiên, vẫn còn áp lực lên giá sau các báo cáo rằng Hoa Kỳ đang cho phép Chevron Corp đàm phán giấy phép dầu với công ty dầu khí nhà nước PDVSA của Venezuela, tạm thời dỡ bỏ lệnh cấm của Hoa Kỳ đối với các cuộc thảo luận như vậy, các nhà phân tích từ ANZ Research cho biết trong một lưu ý tới khách hàng vào thứ Tư.
"Những thay đổi được đề xuất cuối cùng có thể dẫn đến nhiều dầu thô hơn được tung ra thị trường."
Trong một diễn biến khác, hôm thứ Hai, Liên minh châu Âu đã thất bại trong việc thuyết phục Hungary bỏ quyền phủ quyết đối với đề xuất cấm vận dầu của Nga. Nhưng một số nhà ngoại giao hiện coi hội nghị thượng đỉnh ngày 30-31/5 là thời điểm để đạt được thỏa thuận về lệnh cấm theo từng giai đoạn.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell hôm thứ Ba cam kết rằng ngân hàng trung ương sẽ tăng lãi suất lên cao nếu cần thiết để kiềm chế lạm phát leo thang mà theo ông là đe dọa nền tảng của nền kinh tế.