Bản tin dầu thô chiều 16/11/2021
Dầu tăng giá vào sáng thứ Ba trong phiên châu Á, nhưng số ca nhiễm COVID-19 gia tăng ở châu Âu đang làm dấy lên lo ngại về nhu cầu nhiên liệu. Mỹ cũng đang dự định giải phóng kho dự trữ dầu thô và tăng nguồn cung để hạ nhiệt giá xăng đang tăng vọt.
Dầu Brent tương lai tăng 0,96% lên 82,88 USD/thùng và dầu WTI tăng 0,66% ở mức 81,41 USD/thùng.
Châu Âu đang phải đối mặt với làn sóng dịch COVID-19 thứ tư, khi Áo áp lệnh phong tỏa trên toàn quốc đối những người chưa được tiêm chủng. Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới, cũng tiếp tục đối mặt với đợt bùng phát COVID mới nhất.
Các nhà phân tích của ANZ cho biết: "Dầu thô giảm do Tổng thống Mỹ Joe Biden phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn trong việc xả kho dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR) để hạ nhiệt giá xăng tăng”.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư khác cho rằng tác động của việc giải phóng SPR tiềm năng trên thị trường sẽ chỉ là tạm thời.
“Việc mở kho SPR dự kiến đã được định giá phần lớn vào thị trường tại thời điểm này. Khi thời gian trôi qua và động thái này không diễn ra, thị trường có thể sẽ tăng cao hơn”, Rebecca Babin, trader năng lượng cấp cao của CIBC Private Wealth Management nói với Reuters.
Trong tuần trước, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ cũng đã hạ dự báo nhu cầu dầu thế giới quý 4 xuống 330.000 thùng/ngày so với dự báo của tháng 10.
Nhu cầu đang giảm trong khi nguồn cung dự kiến sẽ tăng lên. Các công ty năng lượng Mỹ đã bổ sung thêm giàn khoan dầu và khí đốt tự nhiên trong tuần thứ ba liên tiếp vào tuần trước, trong khi Rystad Energy cho biết sản lượng đá phiến của Mỹ trong tháng 12 dự kiến sẽ đạt mức trước COVID-19 là 8,68 triệu thùng/ngày.
Giá dầu cũng chịu sức ép bởi đồng đô la Mỹ tăng mạnh, khiến dầu trở nên đắt đỏ đối với những người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác. Đồng đô la Mỹ đạt mức cao nhất 16 tháng so với rổ tiền tệ khi các nhà đầu tư lo lắng về nền kinh tế toàn cầu.
Các nhà quản lý tiền tệ đã tăng vị thế mua ròng cho hợp đồng quyền chọn và tương lai đối với dầu thô của Mỹ trong tuần tính đến ngày 9 tháng 11, Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai Hoa Kỳ (CFTC) cho biết hôm thứ Hai.
Cụ thể, các nhà đầu cơ đã tăng vị thế hợp đồng tương lai và quyền chọn ở New York và London thêm 11.328 hợp đồng lên 353.807 trong thời gian nói trên.
Giới đầu tư hiện đang chờ đợi dữ liệu từ Viện Dầu mỏ Hoa Kỳ, sẽ được công bố vào rạng sáng mai theo giờ VN.
Bản tin dầu thô sáng ngày 16/11/2021
Giá dầu diễn biến trái chiều hôm 15/11 khi nhà đầu tư tự hỏi liệu nguồn cung dầu thô có tăng hay không và liệu nhu cầu có bị áp lực bởi sự gia tăng gần đây của chi phí năng lượng, đồng USD mạnh và số ca nhiễm Covid-19 gia tăng hay không.
West Texas Intermediate, chuẩn dầu thô của Mỹ, tăng 9 cent, tương đương 0,1%, lên 80,88 USD/thùng, sau khi giảm xuống mức thấp 78,30 USD trước đó. WTI đã mất 4% trong ba tuần qua sau khi tăng ròng 30% trong bảy tháng trước đó. Chuẩn Hoa Kỳ đạt mức cao nhất trong bảy năm trên 85 USD vào giữa tháng 10 và vẫn tăng 64% trong năm.
Dầu thô Brent giao dịch tại London, chuẩn toàn cầu, giảm 12 cent, tương đương 0,2%, ở mức 82,05 USD/thùng, sau mức thấp nhất trong ngày ở mức 80,67 USD. Giống như WTI, Brent cũng mất 4% trong ba tuần trước đó. Điểm chuẩn toàn cầu này đã tăng lên mức cao nhất trong ba năm trên 86 USD vào tháng trước và vẫn tăng 58% trong năm.
John Kilduff, Đối tác tại Again Capital LLC, nhận định vào đầu phiên, thị trường dầu bị chi phối bởi dự báo rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể giải quyết tình trạng giá dầu cao bằng cách giải phóng dầu thô từ Dự trữ Dầu Chiến lược của Mỹ (SPR), tuy nhiên, những nghi ngờ về cách tiếp cận này đã giúp dầu WTI tăng.
Cũng gây áp lực lên giá dầu, chỉ số đồng USD đã chạm mức cao nhất trong 16 tháng khi nhà đầu tư lo ngại về nền kinh tế toàn cầu.
Đồng USD mạnh hơn có thể làm giá dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua sử dụng những đồng tiền khác.
Tuần trước, các công ty năng lượng Mỹ đã gia tăng số giàn khoan dầu và khí thiên nhiên tuần thứ 3 liên tiếp, được khuyến khích bởi đà leo dốc 65% của giá dầu WTI từ đầu năm đến nay.
Sản lượng dầu đá phiến của Mỹ trong tháng 12 dự kiến sẽ đạt mức trước đại dịch là 8.68 triệu thùng/ngày, theo Rystad Energy. Trong khi đó, có những dấu hiệu cho thấy nhu cầu có thể đang chậm lại do số ca nhiễm Covid-19 tăng cao và lạm phát.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) hồi tuần trước đã hạ dự báo nhu cầu dầu thế giới quý 4 giảm 330,000 thùng/ngày so với dự báo tháng trước, khi giá năng lượng cao cản trở đà phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao Louise Dickson tại Rystad Energy chia sẻ: “Thị trường bây giờ dường như đã bớt lo ngại về tình trạng khan hiếm nguồn cung hiện nay, cho rằng nó chỉ tồn tại trong ngắn hạn. Thay vào đó nhà đầu tư lại tập trung vào sự trở lại của 2 yếu tố tiêu cực – khả năng có nhiều nguồn cung dầu hơn và số ca nhiễm Covid-19 gia tăng”.
Châu Âu một lần nữa trở thành tâm điểm của đại dịch Covid-19, khiến một số chính phủ phải xem xét áp dụng lại các biện pháp phong tỏa, trong khi Trung Quốc đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm lớn nhất do biến thể Delta gây ra.