Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tin vắn ngày 15/11/2021

 

Bản tin dầu thô chiều 15/11/2021

Dầu giảm vào sáng thứ Hai trong phiên châu Á, khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đang phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn trong việc giải phóng nguồn cung từ kho Dự trữ Dầu chiến lược (SPR) trong bối cảnh giá xăng đang tăng vọt.

Dầu Brent giao sau giảm 0,89% xuống 81,44 USD/thùng và dầu WTI tương lai giảm 0,90% xuống 78,97 USD/thùng.

Lãnh đạo phe Đa số tại Thượng viện Hoa Kỳ Charles Schumer đã kêu gọi Biden giải phóng dầu từ kho SPR vào cuối tuần qua, nói thêm rằng người tiêu dùng cần được cứu trợ ngay lập tức với giá xăng cao.

Các nhà phân tích của ANZ cho biết trong một báo cáo: “Nhà Trắng đang tranh luận về cách giải quyết lạm phát cao, khi một số quan chức kêu gọi khai thác nguồn dự trữ trong kho chiến lược hoặc ngừng xuất khẩu dầu thô”.

Tuy nhiên, Brian Deese, giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Nhà Trắng, nói với CNN, "Tổng thống đã nói rõ rằng tất cả các giải pháp đều đang được thảo luận", và nói thêm "chúng tôi đang theo dõi tình hình rất thận trọng."

Các nhà đầu tư đang tập trung vào việc liệu Hoa Kỳ có giải phóng kho SPR hay không sau khi dầu thô leo lên mức cao nhất trong 7 năm vào tháng 10. Lời kêu gọi của Tổng thống Biden đối với tổ chức OPEC+ để tăng sản lượng dầu thô nhanh hơn cũng không có tác dụng.

Tuy nhiên, một số nhà đầu tư cho rằng Hoa Kỳ cũng có các lựa chọn khác, dù là hạn chế, ngoài việc khai thác SPR.

Nhà phân tích hàng hóa cấp cao Will Sungchil Yun của VI Investment Corp nói với Bloomberg: “Có vẻ như có một số giải pháp hạn chế mà Hoa Kỳ có thể sử dụng để chống lạm phát, đó là mở kho SPR, nâng lãi suất và nới lỏng các hạn chế đối với xuất khẩu dầu của Iran”.

“Giải pháp nhanh nhất có tác động lâu dài hơn sẽ là Iran. Điều đó sẽ đẩy giá xuống khi có thêm nguồn cung”.

Bản tin dầu thô sáng 15/11/2021

Giá dầu thô tiếp tục đi xuống trong sáng ngày thứ Hai, chịu áp lực từ viễn cảnh nguồn cung cao hơn và nhu cầu suy yếu.

Dầu thô Brent giao sau giảm 58 cent, tương đương 0,7% xuống 81,59 USD/thùng. Dầu thô WTI giảm 58 cent, tương đương 0,7%, ở mức 80,21 USD/thùng.

Cả hai loại dầu đều giảm trong ba tuần qua, chịu tác động của đồng đô la Mỹ mạnh lên và suy đoán rằng chính quyền của Tổng thống Joe Biden có thể giải phóng dầu từ kho dự trữ dầu chiến lược nhằm hạ nhiệt giá.

Các nhà phân tích của ANZ cho biết trong một báo cáo: "Nhà Trắng đang tranh luận về cách giải quyết lạm phát cao hơn, khi một số quan chức kêu gọi giaỉ phóng kho dự trữ chiến lược hoặc ngừng xuất khẩu ".

Các công ty năng lượng của Mỹ trong tuần trước đã bổ sung thêm các giàn khoan dầu và khí đốt tự nhiên trong tuần thứ ba liên tiếp với giá dầu thô dao động gần mức cao nhất trong bảy năm, khiến một số công ty khoan quay trở lại thị trường giếng khoan.

Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes Co cho biết số lượng giàn khoan dầu khí, một chỉ báo sớm về sản lượng trong tương lai, đã tăng 6 lên 556 trong tuần tính đến ngày 12 tháng 11, mức cao nhất kể từ tháng 4 năm 2020.

Trong khi đó, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) vào tuần trước đã hạ dự báo nhu cầu dầu thế giới trong quý 4 của họ xuống 330.000 thùng/ngày so với dự báo của tháng trước, do giá năng lượng cao cản trở sự phục hồi kinh tế từ đại dịch COVID-19.

Hãng Rosneft của Nga, công ty dầu mỏ lớn thứ hai thế giới tính theo sản lượng sau Saudi Aramco (SE: 2222), hôm thứ Sáu đã cảnh báo về một "siêu chu kỳ" tiềm ẩn trên thị trường năng lượng toàn cầu, làm tăng triển vọng giá thậm chí còn cao hơn khi nhu cầu vượt xa nguồn cung.