Bản tin dầu thô chiều 13/7/2022
Giá dầu tăng nhẹ trở lại vào sáng thứ Tư sau khi xuống dưới 100 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng Tư, trong khi các nhà giao dịch đang hướng tới dữ liệu lạm phát của Mỹ có thể làm suy yếu thị trường.
Dầu thô Brent giao tháng 9 tăng 24 cent, tương đương 0,2% lên 99,73 USD/thùng. Dầu thô WTI cũng nhích tăng 10 cent, tương đương 0,1%, lên 95,94 USD.
Các nhà đầu tư đã bán hợp đồng dầu vì lo ngại rằng việc tăng lãi suất tích cực để ngăn chặn lạm phát sẽ thúc đẩy suy thoái kinh tế làm ảnh hưởng đến nhu cầu dầu. Giá đã rớt hơn 7% hôm thứ Ba trong một phân giao dịch đầy biến động.
Một mối lo ngại nữa là việc Mỹ tăng lãi suất để đối phó với lạm phát cao sẽ đẩy đồng đô la đi lên, đồng thời làm suy yếu giá dầu.
Warren Patterson, người đứng đầu bộ phận chiến lược hàng hóa tại ING, cho biết: “Những lo ngại về suy thoái kéo dài tiếp tục ập đến thị trường, trong khi sự mạnh lên của USD và bùng phát số ca nhiễm Covid ở các khu vực của Trung Quốc chắc chắn không giúp ích được gì”.
Stephen Innes, đối tác quản lý của SPI Asset Management, dự đoán báo cáo dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ dự kiến sẽ được công bố vào cuối ngày có thể thu hút sự chú ý.
Các nhà kinh tế được Reuters thăm dò dự báo các số liệu cho thấy lạm phát của Mỹ đã tăng nhanh, lên 1,1% hàng tháng và 8,8% hàng năm.
Các hạn chế đi lại liên quan đến COVID-19 được gia hạn ở Trung Quốc cũng gây ảnh hưởng lớn đến thị trường. Nhiều thành phố ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã áp dụng các biện pháp hạn chế mới, từ đóng cửa kinh doanh đến phong tỏa trên phạm vi rộng hơn, nhằm nỗ lực kiềm chế sự lây nhiễm mới từ một biến thể phụ có khả năng lây nhiễm rất cao.
Hôm thứ Ba, chỉ số đô la, theo dõi đồng tiền này so với rổ sáu đồng tiền chủ chốt khác, cũng tăng vào đầu ngày lên 108,56, mức cao nhất kể từ tháng 10 năm 2002.
Dầu nói chung được định giá bằng đô la Mỹ, vì vậy đồng bạc xanh mạnh hơn làm cho hàng hóa trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác, gây áp lực giảm đối với nhu cầu.
Dự trữ dầu thô của Mỹ tăng khoảng 4,8 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 8 tháng 7. Dự trữ xăng tăng 3 triệu thùng, trong khi dự trữ sản phẩm chưng cất tăng khoảng 3,3 triệu thùng, theo số liệu của Viện Dầu khí Mỹ hôm thứ Ba.
Trong khi đó, thị trường đang theo dõi sát sao chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Trung Đông, nơi ông dự kiến sẽ yêu cầu Ả Rập Xê-út và các nhà sản xuất vùng Vịnh khác tăng sản lượng dầu để giúp ổn định giá cả.
Trong một báo cáo hàng tháng được công bố vào thứ Ba, OPEC dự kiến nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng vào năm 2023 và thị trường sẽ tiếp tục thắt chặt. Theo ước tính, sẽ cần thêm 900.000 thùng dầu mỗi ngày từ các thành viên của nhóm vào năm 2023 so với năm 2022 để cân bằng thị trường.