Bản tin dầu thô chiều 12/8/2022
Giá dầu giảm trong phiên giao dịch châu Á vào sáng thứ Sáu trong bối cảnh triển vọng nhu cầu không chắc chắn, mặc dù các hợp đồng dầu đang hướng tới tuần tăng khi lo ngại suy thoái giảm bớt.
Giá dầu Brent giao tháng 10 giảm 49 cent, tương đương 0,5%, xuống 99,11 USD/thùng, trong khi giá dầu thô WTI giao tháng 9 giảm 50 cent, tương đương 0,5% ở mức 93,84 USD/thùng.
Dầu Brent đang trên đà tăng hơn 4% trong tuần, bù đắp lại một phần mức giảm 14% của tuần trước, tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 4 năm 2020 trong bối cảnh lo ngại rằng lạm phát leo thang và lãi suất cao sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế cũng như nhu cầu nhiên liệu.
WTI đang hướng tới mức tăng hơn 5% trong tuần, bù đắp khoảng một nửa mức giảm của tuần trước.
Sự bất ổn đã làm kìm hãm mức tăng giá khi thị trường tiếp nhận quan điểm nhu cầu trái ngược từ Tổ chức các nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).
Yeap Jun Rong, chiến lược gia thị trường tại IG, nhận định: “Trong khi tin tức về lạm phát đỉnh điểm gần đây đã tạo ra một số lực kéo cho các tài sản rủi ro, thì các biến động chừng mực hơn trong giá dầu kể từ tháng 6 cho thấy sự dè dặt vẫn còn do triển vọng nhu cầu không rõ ràng”.
Tăng trưởng kinh tế chậm lại có thể tiếp tục hạn chế đà tăng của giá dầu, với mức kháng cự tâm lý quan trọng đối với dầu Brent ở mức 100 USD/thùng, Yeap cho biết thêm.
Hôm thứ Năm, OPEC đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới năm 2022 xuống 260.000 thùng/ngày. Hiện tổ chức này dự báo nhu cầu sẽ tăng 3,1 triệu thùng/ngày trong năm nay.
Điều đó trái ngược với quan điểm của IEA, tổ chức đã nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu lên 2,1 triệu thùng/ngày, do việc chuyển đổi từ khí đốt sang dầu trong sản xuất điện bởi giá khí đốt tăng cao.
Justin Smirk, nhà kinh tế cấp cao tại Westpac cho biết: "Có rất nhiều sự không chắc chắn về nhu cầu trong ngắn hạn. Cho đến khi điều đó lắng xuống, thị trường sẽ như thế này trong một thời gian".
Đồng thời, IEA đã nâng triển vọng nguồn cung dầu của Nga thêm 500.000 thùng/ngày trong nửa cuối năm 2022, nhưng cho biết OPEC sẽ phải vật lộn để tăng sản lượng.
Nhà phân tích Vivek Dhar của Commonwealth Bank cho biết: “Bức tranh mà IEA vẽ là một sự trái chiều. Nguồn cung của Nga đã kiên cường hơn so với suy nghĩ ban đầu."
"Việc đánh giá cân bằng dầu toàn cầu vào cuối năm vào lúc này, dựa trên những gì đang xảy ra ở phía cầu so với những gì đang diễn ra ở phía cung – là rất phức tạp. Đó là lý do tại sao lại có sự biến động hàng ngày."