Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tin vắn ngày 11/01/2023

Bản tin dầu thô chiều 11/01/2023

Giá dầu giảm vào sáng thứ Tư do dự trữ dầu thô và nhiên liệu bất ngờ tăng ở Mỹ, nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, và bất ổn kinh tế làm dấy lên lo ngại về nhu cầu.

Hợp đồng tương lai dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 2 giảm 79 cent, tương đương 1,1%, xuống 74,33 USD/thùng, trong khi dầu thô Brent giao tháng 3 giảm 75 cent, tương đương 0,9%, ở mức 79,35 USD/thùng.

Cả hai hợp đồng đều tăng trong hai phiên giao dịch đầu tuần, phục hồi sau đợt bán tháo mạnh vào tuần đầu tiên của năm 2023.

Dữ liệu từ Viện Dầu khí Hoa Kỳ (API) cho biết, các kho dự trữ dầu thô trong nước đã tăng 14,9 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 6 tháng 1. Đồng thời, dự trữ sản phẩm chưng cất, bao gồm dầu sưởi và nhiên liệu máy bay, tăng khoảng 1,1 triệu thùng.

Các nhà phân tích được Reuters thăm dò dự đoán dự trữ dầu thô giảm 2,2 triệu thùng và dự trữ sản phẩm chưng cất giảm 500.000 thùng.

Nhà phân tích Leon Li tại CMC Markets cho biết, dự trữ dầu của Mỹ tăng mạnh trong báo cáo API đã kéo giá dầu giảm và nguy cơ suy thoái kinh tế cũng đang hạn chế xu hướng tăng của giá dầu trong ngắn hạn.

Các nhà giao dịch sẽ chờ báo cáo dữ liệu tồn kho từ Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ vào cuối ngày thứ Tư để xem liệu nó có khớp với số liệu sơ bộ từ API hay không.

Thị trường dầu đã bị kéo xuống thấp hơn bởi những lo ngại về việc tăng lãi suất của Mỹ để kiềm chế lạm phát sẽ gây suy thoái kinh tế và cắt giảm nhu cầu nhiên liệu.

Tâm lý thị trường phổ biến là bi quan về phía cầu với việc Trung Quốc vẫn đang đối phó với sự bùng phát COVID-19 lan rộng, trong khi Mỹ và Châu Âu có nguy cơ suy thoái kinh tế do lãi suất tăng, với sự gián đoạn nguồn cung ở mức tối thiểu trong thời điểm hiện tại, Claudio Galimberti, phó chủ tịch cấp cao của Rystad Energy, cho biết qua email.

Cấu trúc thị trường cho hợp đồng tương lai phản ánh sự yếu kém đó với hợp đồng Brent và WTI front-month vẫn ở trạng thái contango (bù hoãn mua), trong đó giá giao ngay giao dịch thấp hơn giá giao sau, thường là dấu hiệu cho thấy nhu cầu dầu ngắn hạn ít hơn.

Giá đã tăng vào đầu tuần này với hy vọng tăng trưởng nhu cầu nhiên liệu ở Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới, sau khi nới lỏng các biện pháp kiềm chế COVID-19 và nối lại việc đi lại quốc tế.

Các nhà phân tích của ANZ Research cho biết: “Thông tin hôm thứ Hai rằng Trung Quốc đã ban hành một đợt hạn ngạch nhập khẩu mới cho thấy nhà nhập khẩu lớn của thế giới đang tăng cường để đáp ứng nhu cầu cao hơn”.

Trọng tâm chính trong tuần này là dữ liệu lạm phát của Mỹ, sẽ được công bố vào thứ Năm. Các nhà phân tích cho biết nếu lạm phát thấp hơn kỳ vọng sẽ khiến đồng đô la giảm giá. Đồng đô la yếu hơn có thể thúc đẩy nhu cầu dầu vì nó làm cho hàng hóa rẻ hơn đối với người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác.