Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tin vắn ngày 09/11/2022

Bản tin dầu thô chiều 09/11/2022

Giá dầu giảm vào sáng thứ Tư khi dữ liệu từ API cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ tăng hơn dự kiến ​​và lo ngại số ca nhiễm COVID-19 tái bùng phát tại nhà nhập khẩu hàng đầu Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu nhiên liệu.

Giá dầu Brent giao tháng 01 giảm 44 cent, tương đương 0,5%, xuống 94,92 USD/thùng, và giá dầu thô WTI giao tháng 12 cũng giảm 53 cent, tương đương 0,6% xuống 88,38 USD/thùng. Hai chuẩn dầu đã giảm khoảng 3% vào thứ Ba.

Dự trữ dầu thô của Mỹ tăng khoảng 5,6 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 4 tháng 11, theo số liệu của Viện Dầu mỏ Mỹ, trong khi bảy nhà phân tích được Reuters thăm dò ước tính trung bình tồn kho dầu thô sẽ tăng khoảng 1,4 triệu thùng.

Tuần trước, thị trường đã nuôi hy vọng rằng Trung Quốc có thể tiến tới nới lỏng các hạn chế COVID nhưng vào cuối tuần qua, các quan chức y tế cho biết họ sẽ bám sát phương pháp tiếp cận zero-Covid đối với các ca nhiễm mới.

Số ca mắc COVID ở Quảng Châu và các thành phố khác của Trung Quốc đã tăng lên, khi trung tâm sản xuất toàn cầu trở thành tâm chấn COVID mới nhất của đất nước.

Stephen Innes, đối tác quản lý tại SPI Asset nhận định: "Với câu chuyện đó (Trung Quốc mở cửa trở lại) bị đẩy lùi, cùng với tồn kho của Mỹ tăng đáng kể, ám chỉ nhu cầu tại Mỹ giảm, các lực giảm giá sẽ tác động vào sáng nay trong phiên châu Á".

Nhà phân tích Tina Teng của CMC Markets cho biết mặc dù nguồn cung trên thị trường giao ngay bị thắt chặt, nhưng sự suy giảm nhu cầu của Trung Quốc có tác động lớn đến thị trường dầu kỳ hạn.

Một dấu hiệu giảm giá khác, dữ liệu của API cho thấy tồn kho xăng tăng khoảng 2,6 triệu thùng, so với dự báo của các nhà phân tích là giảm 1,1 triệu thùng.

Thị trường sẽ chờ đợi dữ liệu tồn kho chính thức của Mỹ từ Cơ quan Thông tin Năng lượng được công bố vào 22:30 tối nay theo giờ VN để có thêm đánh giá về nhu cầu tại nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Trong khi đó, những lo ngại về nguồn cung vẫn còn do lệnh cấm của Liên minh châu Âu đối với dầu thô của Nga sắp có hiệu lực và tổ chức OPEC+ cắt giảm sản lượng từ tháng này.

Ngoài ra, lo ngại rằng sự suy giảm kinh tế toàn cầu rõ rệt sẽ làm giảm nhu cầu dầu thô vẫn tồn tại, đặc biệt là trong bối cảnh lãi suất tăng và lạm phát cao. Dữ liệu lạm phát của sẽ được công bố vào thứ Năm dự kiến sẽ làm sáng tỏ hơn xu hướng này, vì nó có khả năng sẽ ảnh hưởng đến quyết định lãi suất của Fed vào tháng 12.