Bản tin chiều 9/5/18
Giá dầu thế giới quay lại mức cao nhất trong 3,5 năm sau khi Tổng thống Donald Trump thông báo Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, điều này có thể làm gián đoạn nguồn cung toàn cầu.
Động thái của ông Trump có thể khiến nguồn dầu xuất khẩu từ Iran bị hạn chế trong bối cảnh nguồn cung dầu toàn cầu vốn dĩ đã thắt chặt gần đây.
Cụ thể, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 6 giao dịch ở mức 70,57 USD/thùng, tăng 1,51 USD. Giá dầu Brent giao tháng 7 cũng tăng 2,5% lên 76,75 USD/thùng, mức cao nhất trong 3,5 năm.
Trong phiên giao dịch đêm qua, giá dầu đóng cửa giảm, vì nỗi lo Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran đã được định vào giá dầu trước đó, và động thái của ông Trump không gây bất ngờ đối với thị trường. Tuy nhiên, sau một đêm, nỗi lo nguồn cung đã trở lại, đẩy giá dầu tăng.
Lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran có thể được thiết lập trở lại sau 180 ngày, trừ phi hai bên đạt được một thỏa thuận mới trước thời hạn đó, theo Reuters.
Iran trở lại vị trí cường quốc xuất khẩu dầu vào năm 2016 sau khi được dỡ lệnh trừng phạt quốc tế. Trong tháng 4 vừa qua, nước này xuất khẩu 2,6 triệu thùng dầu/ngày, giữ vị trí nước xuất khẩu dầu lớn thứ 3 trong OPEC, sau Saudi và Iraq.
Theo báo cáo của Ngân hàng ANZ, quyết định của ông Trump "đặt ra một kịch bản trong đó nguồn cung dầu có thể bị thắt chặt mạnh mẽ vào nửa cuối năm 2018 và năm 2019".
Hiện vẫn chưa rõ liệu thị trường dầu mỏ thế giới sẽ bị ảnh hưởng mạnh đến mức độ nào.
Mỹ không mua dầu của Iran, trong khi một số cường quốc khác ký thỏa thuận hạt nhân với Tehran - bao gồm Nga, Anh, Pháp và Đức - phản đối việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận và có thể sẽ tiếp tục mua dầu của nước này.
Hiện châu Á vẫn là thị trường xuất khẩu dầu lớn nhất của Iran. Nhiều khả năng các khách hàng tại khu vực này vẫn mua một phần dầu của Iran như đã làm trước đây khi Tehran chịu lệnh trừng phạt.
Dự báo
Thị trường sẽ bắt đầu chuyển hướng tập trung vào cuộc bầu cử Venezuela vào ngày 20/5 cũng như cuộc họp OPEC ngày 22/6. Liệu Mỹ có cấm vận dầu Venezuela sau cuộc tổng tuyển cử hay không và OPEC có tiếp tục duy trì chiến lược cắt giảm sản xuất hay sẽ dần nới lỏng mức hạn ngạch và cuối cùng dẫn đến kết thúc thỏa thuận. Trong khi đó sản xuất dầu đá phiến Mỹ cũng như tồn kho tại nước này tăng liên tục trong bối cảnh Mỹ đang bước vào mùa lái xe đỉnh điểm hè. Tất cả những nguyên nhân này sẽ khiến cho giá dầu duy trì tính biến động cao trong suốt tháng này. Dự báo giá WTI sẽ nằm trong phạm vi 69-71 USD vì tâm lý thị trường đang được củng cố mạnh mẽ.
Bản tin sáng ngày 9/5/2018
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Ba tuyên bố rằng Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, mở đường cho các biện pháp trừng phạt mới lên ngành năng lượng của Iran.
"Tôi công bố hôm nay rằng Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran," Trump nói. "Chúng tôi sẽ đưa ra mức xử phạt kinh tế cao nhất đối với Iran."
Trên sàn giao dịch New York Mercantile Exchange WTI giao tháng 6 giảm 1,67 USD, tương đương 2,36%, xuống còn 69,06 USD/thùng, trong khi trên sàn giao dịch ICE London, Brent giảm 0,92% giao dịch ở mức 75,48 USD/thùng.
Kết quả này đã được dự đoán rộng rãi khi Trump từ lâu đã chỉ trích thỏa thuận hạt nhân của Iran, tuyên bố đó là "thỏa thuận tồi tệ nhất từ trước tới giờ."
"Với tôi thì rõ ràng rằng chúng ta không thể ngăn chặn một quả bom hạt nhân của Iran theo thỏa thuận hiện tại," Trump nói hôm thứ Ba.
Quyết định của Tổng thống về việc rời khỏi hiệp định năm 2015, và không tạm dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran được dự kiến sẽ gây sức ép lên lĩnh vực năng lượng của Tehran, làm giảm sản lượng và cắt giảm hơn nữa nguồn cung dầu thô toàn cầu.
Bộ trưởng Tài chính cho biết Mỹ sẽ tái áp đặt lệnh trừng phạt Tehran bao gồm các giao dịch với ngân hàng trung ương Iran và các tổ chức tài chính được chỉ định của Iran sau khi hết thời hạn 90 và 180 ngày tạm hoãn.
Sự sụt giảm nguồn cung dầu thô của Iran có thể đẩy giá dầu tăng thêm 3,5 USD/thùng, Goldman Sachs nói trong một báo cáo gửi cho khách hàng.
Một sự sụt giảm trong 6 tháng của 250.000 thùng dầu mỗi ngày của nguồn cung Iran có thể hỗ trợ giá dầu thêm 3,5 USD mỗi thùng nếu các thành viên OPEC khác không có phản ứng bù đắp phần mất đi, Goldman Sachs nói.
Ngân hàng này cũng trích dẫn thêm căng thẳng địa chính trị ở “các nước sản xuất dầu chính” bổ sung thêm một khoản phí bảo hiểm rủi ro bổ sung cho giá dầu.
Goldman Sachs (NYSE: GS) cho biết: “Trên thực tế, căng thẳng địa chính trị ở các nước sản xuất dầu mỏ quan trọng như Iran, Saudi Arabia, Venezuela, Libya và Nigeria tạo ra rủi ro về tổn thất sản xuất hơn nữa trong bối cảnh lượng hàng tồn kho cạn kiệt.
Phân tích kỹ thuật
Giá dầu thô đã giảm mạnh trong phiên hôm qua đến khu vực 67,60, nhưng sau đó đã phục hồi nhanh chóng để di chuyển quanh mức 69,50, cho thấy sự cố gắng tiếp tục xu hướng tăng chính, nhưng chúng ta cần theo dõi mức chốt phiên ngày hôm nay và ngày mai để xác nhận xu hướng tiếp theo, cần lưu ý rằng vượt lên trên 69,50 là cần thiết để lấy lại đường tăng giá chính mà mục tiêu chính của nó nằm ở 71,00 và mở rộng đến 74,00.
Dự báo
Giá dầu đã giảm trong phiên giao dịch hôm qua sau khi đã nắm được rõ ràng ý định của chính quyền Trump về Iran. Tuy nhiên kết quả này đã được dự đoán rộng rãi khi Trump từ lâu đã chỉ trích thỏa thuận hạt nhân của Iran, và nó đã được định sẵn vào giá cả nên không có gì ngạc nhiên khi giá không tăng mà ngược lại lại giảm đi.
Thị trường sẽ bắt đầu chuyển hướng tập trung vào cuộc bầu Venezuela vào ngày 20/5 cũng như cuộc họp OPEC trong tháng 6. Liệu Mỹ sẽ cấm vận dầu Venezuela sau bầu cử hay không và OPEC sẽ tiếp tục duy trì chiến lược cắt giảm sản xuất hay sẽ dần dần nới lỏng mức hạn ngạch và cuối cùng dẫn đến kết thúc thỏa thuận. Trong khi đó sản xuất dầu đá phiến Mỹ cũng như tồn kho tại nước này tăng liên tục trong bối cảnh Mỹ đang tiến vào mùa lái xe đỉnh điểm hè. Tất cả những nguyên nhân này sẽ khiến cho giá dầu duy trì tính biến động cao trong suốt tháng này. Giá WTI có thể sẽ nằm trong phạm vi 69-71 vì tâm lý thị trường đang được củng cố mạnh mẽ.