Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tin vắn ngày 09/03/2022

Bản tin dầu thô chiều 10/3/2022

Giá dầu quay đầu tăng hôm thứ Năm sau khi giảm mạnh trong phiên trước đó khi thị trường dự tính liệu các nhà sản xuất lớn có tăng nguồn cung để giúp thu hẹp khoảng trống sản lượng từ Nga do các lệnh trừng phạt hay không.

Dầu thô Brent giao tháng 5 tăng 3,1 USD, tương đương 2,8%, ở mức 114,24 USD/thùng, sau khi giao dịch trong biên độ hơn 5 USD. Chuẩn dầu này đã giảm 13% trong phiên trước đó, phiên giảm mạnh nhất trong một ngày trong gần hai năm.

Giá dầu thô WTI giao tháng 4 cũng tăng 1,58 USD, tương đương 1,5%, ở mức 110,28 USD/thùng, sau khi giao dịch trong biên độ hơn 4 USD. Hợp đồng này đã mất 12,5% trong phiên trước đó, đây cũng là ngày có mức giảm lớn nhất kể từ tháng 11.

Sự không chắc chắn về việc nguồn cung sẽ đến từ đâu và khi nào để thay thế dầu thô từ nước xuất khẩu lớn thứ hai thế giới là Nga trong một thị trường khan hiếm cung đã dẫn đến nhiều dự báo về giá dầu từ 100 đến 200 USD/thùng.

Stephen Innes, đối tác quản lý tại SPI Asset Management, cho biết: “Vì vậy, để nói rằng thị trường dầu đang bối rối sẽ là một cách nói nhẹ đi khi chúng ta đang ở trong một tình huống chưa từng có tiền lệ”.

Bình luận của Bộ trưởng Năng lượng Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và đại sứ của nước này tại Washington đã gửi đi những tín hiệu trái ngược nhau.

Bộ trưởng Năng lượng UAE Suhail al-Mazrouei cho biết trên Twitter vào cuối ngày thứ Tư, đất nước của ông cam kết với thỏa thuận hiện tại của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh bao gồm Nga, còn gọi là OPEC+, để tăng nguồn cung dầu thêm 400.000 thùng mỗi ngày hàng tháng sau khi cắt giảm mạnh vào năm 2020.

Ông al-Mazrouei nói: “UAE tin tưởng vào giá trị mà OPEC+ mang lại cho thị trường dầu mỏ”.

Chỉ vài giờ trước đó, giá lao dốc theo bình luận của đại sứ UAE tại Washington cho biết nước ông sẽ khuyến khích OPEC xem xét tăng sản lượng cao hơn để lấp khoảng trống nguồn cung do các lệnh trừng phạt đối với Nga sau khi nước này xâm lược Ukraine.

Các bình luận từ các quan chức UAE được đưa ra khi thị trường cũng tính đến động thái của Hoa Kỳ nhằm nới lỏng bớt các biện pháp trừng phạt đối với dầu của Venezuela và nỗ lực ký kết thỏa thuận hạt nhân với Tehran, điều này có thể dẫn đến nguồn cung dầu nhiều hơn từ Iran vào cuối năm nay.

Các cuộc đàm phán diễn ra vào thứ Năm giữa Nga và các ngoại trưởng Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng là lý do khiến đà tăng giá dầu chững lại.

Trong khi UAE và Saudi Arabia có công suất dự phòng, thì một số nhà sản xuất OPEC+ khác đang phải vật lộn để đạt được mục tiêu sản lượng do thiếu sự đầu tư vào cơ sở hạ tầng trong vài năm qua, điều này sẽ làm hạn chế khả năng tăng sản lượng của họ.

Nhà phân tích hàng hóa Vivek Dhar của Commonwealth Bank cho biết: “Chúng tôi nghĩ rằng sẽ là một thách thức đối với OPEC+ để thúc đẩy sản xuất trong môi trường này”.

Tuy nhiên, các nhà phân tích của Standard Chartered dự đoán OPEC sẽ tìm cách lấp đầy sự thiếu hụt nguồn cung của Nga, "kết thúc hiệu quả thỏa thuận OPEC+ hiện tại".

Bản tin dầu thô chiều 09/3/2022

Giá dầu tiếp tục đà tăng vào sáng thứ Tư trong phiên châu Á khi Mỹ cấm nhập khẩu dầu của Nga và kế hoạch của Anh loại bỏ dần sự phụ thuộc vào dầu Nga vào cuối năm làm dấy lên lo ngại về nguồn cung toàn cầu thắt chặt hơn nữa.

 Theo đó, dầu thô Brent giao tháng 5 tăng 2,17 USD, tương đương 1,7%, ở mức 130,15 USD/thùng, sau khi tăng 3,9% vào phiên hôm trước.

Giá dầu thô WTI giao tháng 4 cũng tăng 1,57 USD, tương đương 1,3%, ở mức 125,27 USD/thùng, sau khi tăng 3,6% vào hôm thứ Ba.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hôm thứ Ba đã áp đặt lệnh cấm ngay lập tức đối với nhập khẩu dầu và các loại năng lượng khác của Nga và Anh cho biết sẽ loại bỏ dần việc nhập khẩu dầu của Nga đến cuối năm 2022.

Giá dầu đã tăng hơn 30% kể từ khi Nga, nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai thế giới, xâm lược Ukraine. Các nhà phân tích cho biết lo ngại về nguồn cung dầu bị gián đoạn trong bối cảnh các lệnh trừng phạt leo thang đối với Moscow đã thúc đẩy hoạt động thu mua.

Hiroyuki Kikukawa, Tổng giám đốc bộ phận nghiên cứu của Nissan, cho biết: “Bên cạnh tác động của thông báo từ Mỹ và Anh, lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung từ Nga do tăng cường lệnh trừng phạt đối với Moscow đã thúc đẩy hoạt động mua mới”.

Ông nói: “Nhưng mức giá cao hôm thứ Hai có thể sẽ trở thành mức trần trong ngắn hạn vì hoạt động mua đầu cơ dự kiến ​​sẽ sớm chậm lại và các quốc gia ở Bắc bán cầu sẽ bước vào mùa xuân khi nhu cầu nhiên liệu giảm xuống”.

Giá dầu hôm thứ Hai tăng vọt lên mức cao nhất kể từ tháng 7 năm 2008, với dầu Brent chạm 139,13 USD/thùng và WTI là 130,50 USD.

Một nguyên nhân nữa hỗ trợ cho đà tăng là do dự đoán sự trở lại của dầu thô Iran trên thị trường toàn cầu là khó xảy ra, vì các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran đã bị trì hoãn.

Các nhà phân tích tại công ty tư vấn Rystad Energy có trụ sở tại Oslo cho biết hôm thứ Ba rằng giá dầu toàn cầu có thể tăng lên 200 USD/thùng nếu châu Âu và Hoa Kỳ cấm nhập khẩu dầu của Nga.

Tuy nhiên, giá dầu đang ở mức cao nhất trong 14 năm đã đủ để cắt giảm nhu cầu nhiên liệu sau đại dịch COVID khi người tiêu dùng phản ứng với giá xăng và điện tăng cao bằng cách giảm chi tiêu và đi lại, các giám đốc điều hành của hãng năng lượng hàng đầu cảnh báo hôm thứ Hai.

Viện Dầu mỏ Mỹ hôm thứ Ba báo cáo, dự trữ dầu thô của Mỹ tăng 2,8 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 4 tháng 3, nhưng tồn kho xăng giảm 1,98 triệu thùng và dự trữ sản phẩm chưng cất giảm 5,48 triệu thùng. Dự trữ tại Cushing cũng giảm 367.000 thùng.