Bản tin dầu thô chiều 05/03/2021
Giá dầu tiếp tục đi lên trong phiên sáng thứ Sáu, khi giới đầu tư hân hoan trước quyết định không tăng nguồn cung vào tháng Tư của OPEC + khi nhóm này muốn chờ đợi nhu cầu phục hồi vững chãi hơn từ đại dịch.
Giá dầu Brent giao tháng 5 tăng 10 cent, tương đương 0,2%, ở mức 66,84 USD/thùng. Hợp đồng tương lai WTI cũng tăng 51 cent, tức là 0,8% lên 64,34 USD/thùng.
OPEC+ đã thông qua việc tiếp tục duy trì mức sản xuất hiện tại cho tháng Tư tại cuộc họp cấp Bộ trưởng vào thứ Năm, đi ngược lại với đồn đoán trước đó rằng họ sẽ nới lỏng các hạn chế. Trong khi đó, Nga và Kazakhstan đã được quyền miễn trừ khỏi việc hạn chế sản xuất.
Cuộc họp OPEC + tiếp theo sẽ được diễn ra vào ngày 1 tháng Tư, nơi các mức sản xuất có thể sẽ được thảo luận.
Saudi Arabia cũng cam kết duy trì việc cắt giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng/ngày, khi Bộ trưởng Năng lượng nước này, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman tiếp tục kêu gọi sự thận trọng. Ông lập luận rằng thà sai lầm trong sự thận trọng sẽ tốt hơn là tăng nguồn cung sai lúc, RBC Capital Markets cho biết trong một ghi chú.
Quyết định này dường như là một chiến thắng cho Ả Rập Xê-út, quốc gia ủng hộ việc cắt giảm nguồn cung để hỗ trợ giá. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều lo ngại rằng đà tăng giá dầu thô, nhờ OPEC + cắt giảm nguồn cung và triển khai vắc xin ngừa COVID-19 trên toàn cầu, có thể dẫn đến việc gia tăng hoạt động khoan của các công ty khai thác đá phiến của Mỹ và làm tăng lạm phát toàn cầu.
Tuy nhiên, bản ghi chú của RBC Capital cũng nói thêm rằng việc phục hồi sản xuất đá phiến có vẻ không phải là mối quan tâm chính.
Về phần nhu cầu nhiên liệu, các nhà đầu tư đã được cổ vũ bởi dấu hiệu của sự hồi sinh nhu cầu, đặc biệt là ở châu Á. Trung Quốc báo cáo mức tiêu thụ xăng và dầu diesel sẽ vượt mức trước đại dịch COVID-19 trong năm 2021, do hoạt động của nhà máy trở lại với tốc độ nhanh hơn dự kiến và chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng được đẩy nhanh sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Ngoài những bất ngờ từ quyết định của OPEC +, các nhà đầu tư cũng đang hướng tới Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc, tại đây kế hoạch 5 năm mới của nước này sẽ được công bố. Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế thận trọng trên 6% cho năm 2021, thấp hơn dự báo của các nhà kinh tế, và cũng vạch ra sự hỗ trợ tài khóa liên tục với chính sách tiền tệ thận trọng khi đại hội khai mạc vào đầu ngày.
Bản tin dầu thô sáng 05/03/2021
Giá dầu tăng vọt 4% trong phiên thứ Năm khi liên minh các nhà sản xuất OPEC + gây bất ngờ cho thị trường với việc Saudi Arabia vẫn duy trì mức cắt giảm 1 triệu thùng/ngày trong khi Nga và Kazakhstan chỉ chọn mức tăng khiêm tốn.
Chốt phiên thứ Năm, West Texas Intermediate được giao dịch tại New York, tăng 2,55 USD, tương đương 4,2%, ở mức 63,83 USD/thùng. Trong phiên có lúc giá đạt mức cao nhất là 64,86 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 1 năm 2020.
Giá dầu Brent giao dịch tại London, cũng tăng 2,67 USD, tương đương 4,2%, lên 66,74 USD. Brent đã tăng vọt lên 67,72 USD trong phiên, cũng là mức cao nhất kể từ tháng 1 năm 2020.
Bước vào cuộc họp, Ả Rập Xê Út, người đứng đầu Tổ chức 13 thành viên của Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ, cùng với Nga, đứng đầu 10 quốc gia khác trong OPEC +, được cho là sẽ đồng ý về việc tăng tổng sản lượng lên tới 1,5 triệu thùng/ngày từ tháng Tư.
Giá dầu thô đã giảm khoảng 5% trong khoảng thời gian từ thứ Sáu đến thứ Ba do đồn đoán như vậy, trước khi tăng trở lại vào thứ Tư do suy đoán rằng Ả Rập Xê Út có thể duy trì mức cắt giảm 1 triệu thùng/ngày mà họ đã thực thi kể từ tháng Hai trong khi cho phép Nga và Kazakhstan - hai nước trong số 23 thành viên muốn tăng sản lượng nhất - có tổng mức tăng 500.000 thùng/ngày.
Cuối cùng, không điều gì trong số đó trở thành hiện thực. Nga đồng ý chỉ tăng thêm 130.000 thùng/ngày từ tháng tới và Kazakhstan chỉ tăng 20.000 thùng/ngày, tổng cộng là 150.000 thùng/ngày - thấp hơn 70% so với mức thị trường mong đợi.
Tất nhiên, điều may mắn thêm nữa là việc Riyadh từ chối thêm dù chỉ một thùng dầu ra thị trường vì Bộ trưởng Dầu mỏ Ả Rập Xê-út, Hoàng tử Abdulziz bin Salman, một lần nữa lại tiếp tục thể hiện vai trò của mình như một người phá hỏng thị trường đối với những nhà đầu cơ giá xuống trên thị trường dầu.
Abdulaziz và anh trai cùng cha khác mẹ của mình, Thái tử Ả Rập Xê-út Mohammed bin Salman - là những người kiến tạo trong quyết định của vương quốc này vào tháng 01 để tình nguyện cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng mỗi ngày cho Ả Rập Xê Út ngoài cam kết kiểm soát sản xuất hiện có mà Riyadh đã thực hiện từ tháng 4 năm ngoái để củng cố giá dầu sụp đổ sau đợt bùng phát Covid-19.
Các nhà phân tích đang tranh luận về việc Ả Rập Xê út có thể tiếp tục cắt giảm như vậy trong bao lâu và có nguy cơ mất thị phần vào tay các nhà xuất khẩu Mỹ xông xáo hơn, những người không thuộc OPEC+. Mỹ là nước sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới cho đến khi bùng phát dịch Covid-19, đạt mức cao nhất là 13,1 triệu thùng/ngày. Sản lượng dầu thô của Mỹ đã giảm đáng kể xuống chỉ còn khoảng 10 triệu thùng/ngày kể từ đó. Nhưng nó có thể tăng trở lại cả về sản lượng và xuất khẩu nếu giá tiếp tục tăng, các nhà phân tích cho biết.
Nhìn chung, OPEC + đã và đang giữ lại ít nhất 7 triệu thùng dầu mỗi ngày khỏi thị trường trong 10 tháng qua, làm giảm đáng kể tình trạng dư thừa trong kho dự trữ dầu thô toàn cầu xuống gần mức bình thường trong 5 năm. Các hành động của liên minh đã thành công trong việc đưa dầu thô của Mỹ từ mức giá âm lịch sử - 40 USD/thùng vào tháng 4 năm 2020 lên mức cao nhất trong 13 tháng hiện tại.