Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tin vắn ngày 04/5/2023

Bản tin dầu thô chiều 04/5/2023

Giá dầu phục hồi nhẹ vào sáng thứ Năm nhưng không thể lấy lại được mức giảm hơn 9% trong ba ngày trước đó do lo ngại về nhu cầu tại những nước tiêu thụ lớn lấn át tín hiệu rằng Mỹ có thể tạm dừng tăng lãi suất.

Hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 17 cent, tương đương 0,2%, lên 72,50 USD/thùng. Tuy nhiên, kể từ thứ Sáu, Brent đã giảm hơn 9% và vào đầu ngày thứ Năm đã giảm xuống mức thấp nhất là 71,28 USD.

Dầu thô WTI của Mỹ tăng 34 cent, lên 68,92 USD/thùng. WTI đã giảm gần 11% từ thứ Sáu đến thứ Tư và vào đầu ngày thứ Năm đã giảm xuống mức thấp nhất là 63,64 USD.

Giá đã lao dốc trong tuần này trong bối cảnh có dấu hiệu tăng trưởng sản xuất yếu ở Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới và sau khi Mỹ, nước sử dụng dầu lớn nhất thế giới, nâng lãi suất lên mức cao nhất kể từ năm 2007 vào thứ Tư, điều này đe dọa đến tăng trưởng kinh tế trong tương lai.

Tuy nhiên, với một số tăng trưởng tích cực trong lĩnh vực dịch vụ của Hoa Kỳ và kỳ vọng rằng việc cắt giảm sản lượng của các hãng sản xuất lớn bắt đầu từ tháng này sẽ làm hạn chế nguồn cung, các nhà đầu tư và nhà phân tích đang trở lại thị trường để mua vào.

Edward Moya, nhà phân tích tại OANDA, cho biết: "Dầu đang bắt đầu tìm thấy một số hỗ trợ khi tất cả các tin tức xấu về cung và cầu đã được tính vào giá".

Mặc dù Fed đã tăng lãi suất thêm 0.25 điểm phần trăm như dự kiến, nhưng điều này báo hiệu rằng Fed có thể tạm dừng các đợt tăng lãi suất tiếp theo để các quan chức có thời gian đánh giá hậu quả từ những vụ sụp đổ ngân hàng gần đây và chờ đợi sự rõ ràng về tranh chấp tăng trần nợ của Hoa Kỳ.

Sự sụp đổ của ngân hàng thứ ba ở Hoa Kỳ kể từ tháng Ba, do không có khả năng xoay sở trước lãi suất tăng, cũng đã gây sức ép lên thị trường tài chính nói chung.

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và đồng minh (OPEC+) đã bắt đầu cắt giảm sản lượng tự nguyện khoảng 1,16 triệu thùng mỗi ngày vào đầu tháng này và điều này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ thị trường trong thời gian tới vào giai đoạn nhu cầu đạt đỉnh mùa hè.

Moya cho biết: “Có vẻ như OPEC+ sẽ gặp áp lực để cuối cùng cho thấy họ có thể đáp ứng hạn ngạch cắt giảm sản lượng đó và có thể ở vị thế báo hiệu nhiều đợt cắt giảm sắp tới”.

Các nhà đầu tư cũng đang chờ đợi những diễn biến từ Ngân hàng Trung ương châu Âu, vốn sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp thứ bảy liên tiếp vào thứ Năm.

Những lo ngại về nhu cầu của Trung Quốc tiếp tục đè nặng lên thị trường, đặc biệt là sau khi một cuộc khảo sát khu vực tư nhân cho thấy hôm thứ Năm rằng hoạt động của nhà máy bất ngờ giảm trong tháng 4 do nhu cầu trong nước yếu hơn.