Bản tin dầu thô chiều 03/10/2022
Giá dầu tăng hơn 3% trong phiên giao dịch châu Á vào sáng thứ Hai, khi OPEC+ xem xét cắt giảm sản lượng hơn 1 triệu thùng/ngày, mức giảm lớn nhất kể từ đại dịch, nhằm nỗ lực hỗ trợ thị trường.
Dầu thô Brent giao tháng 12 tăng 2,51 USD, tương đương 3%, lên 87,65 USD/thùng. Dầu thô WTI của Mỹ giao tháng 11 cũng tăng 3%, tương đương 2,39 USD, lên 81,88 USD/thùng.
Giá dầu đã giảm trong 4 tháng liên tiếp kể từ tháng 6, khi các đợt phong tỏa do COVID-19 ở thị trường tiêu thụ năng lượng hàng đầu Trung Quốc làm ảnh hưởng đến nhu cầu, trong khi lãi suất tăng và đồng đô la Mỹ mạnh gây sức ép lên thị trường tài chính toàn cầu.
Để hỗ trợ giá, tổ chức các nước xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) đang xem xét cắt giảm sản lượng hơn 1 triệu thùng/ngày trước cuộc họp hôm thứ Tư, các nguồn tin của OPEC+ nói với Reuters.
Nếu được đồng ý, đây sẽ là lần cắt giảm tháng thứ hai liên tiếp của nhóm này sau khi giảm sản lượng 100.000 thùng/ngày vào tháng trước.
Tuy nhiên, OPEC+ đã không đạt được mục tiêu sản xuất gần 3 triệu thùng/ngày trong tháng 7, hai nguồn tin từ nhóm sản xuất cho biết, do các lệnh trừng phạt đối với một số thành viên và mức đầu tư thấp của các thành viên khác đã cản trở khả năng tăng sản lượng của tổ chức này.
Các nhà phân tích của ANZ nhận định: "Bất kỳ mức cắt giảm nào dưới 500.000 thùng/ngày cũng sẽ bị thị trường phớt lờ. Do đó, chúng tôi nhận thấy khả năng cắt giảm đáng kể lên tới 1 triệu thùng/ngày".
Mặc dù giá dầu Brent giao ngay có thể tăng hơn nữa trong ngắn hạn, nhưng lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu có khả năng hạn chế đà tăng, công ty tư vấn FGE dự báo.
"Nếu OPEC+ quyết định cắt giảm sản lượng trong thời gian tới, thì việc tăng công suất dự phòng của OPEC+ có thể sẽ gây thêm áp lực giảm đối với giá về lâu dài", FGE cho biết trong một lưu ý hôm thứ Sáu.
Cũng trong ngày thứ Sáu, Trung Quốc đã cấp hạn ngạch xuất khẩu các sản phẩm dầu lớn nhất trong năm nay và tăng hạn ngạch nhập khẩu dầu thô cho các nhà máy lọc dầu độc lập.
Theo đó, các nhà máy lọc dầu nhà nước và tư nhân có thể xuất khẩu tới 15 triệu tấn xăng, dầu diesel, nhiên liệu máy bay và dầu nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh thấp, giúp bổ sung nhiều nguồn cung cần thiết vào thị trường toàn cầu để thay thế sản phẩm dầu xuất khẩu của Nga mà Liên minh châu Âu cấm vận vào tháng Hai.
Tuy nhiên, các nhà phân tích và thương nhân cho biết một số mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc chỉ có thể được đưa vào thị trường vào đầu năm 2023 do các nhà máy lọc dầu cần thời gian để tăng cường công suất.