Bản tin dầu thô chiều 02/12/2022
Giá dầu tăng cao hơn trong phiên giao dịch châu Á vào sáng thứ Sáu với hy vọng nới lỏng hơn nữa các biện pháp hạn chế COVID ở Trung Quốc, điều này có thể giúp phục hồi nhu cầu tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, mặc dù đồng đô la Mỹ mạnh hơn đã hạn chế mức tăng.
Dầu thô Brent kỳ hạn tăng 20 cent hay 0,23% lên 87,08 USD/thùng, sau khi giảm xuống 86,59 USD trước đó trong phiên.
Hợp đồng tương lai dầu thô ngọt nhẹ WTI cũng tăng 6 cent % lên 81,28 USD/thùng, sau khi trượt xuống 80,88 USD trước đó trong phiên.
Cả hai chuẩn dầu đều đang hướng đến tuần tăng đầu tiên sau ba tuần giảm liên tiếp.
Fed đã phát tín hiệu trong tuần này rằng sẽ tăng lãi suất với biên độ nhỏ hơn trong những tháng tới, điều này cũng hỗ trợ triển vọng giá dầu thô.
Dấu hiệu thắt chặt nguồn cung dầu thô cũng thúc đẩy thị trường trong tuần này. Dữ liệu cho thấy tồn kho của Mỹ giảm đáng kể hơn dự kiến trong tuần trước, cho thấy nhu cầu cao của các nhà máy lọc dầu.
Trong khi đó, dữ liệu PMI công bố trong tuần này cũng nêu bật những rạn nứt ngày càng sâu trong nền kinh tế Trung Quốc, gây áp lực buộc chính phủ phải nới lỏng các hạn chế và giúp khôi phục tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, Bắc Kinh đã không đưa ra tín hiệu rõ ràng rằng họ sẽ nới lỏng các hạn chế.
Theo các nguồn tin nói với Reuters, Trung Quốc chuẩn bị công bố nới lỏng các quy trình kiểm dịch COVID-19 trong những ngày tới và giảm xét nghiệm hàng loạt, đây sẽ là một sự thay đổi lớn trong chính sách sau các cuộc biểu tình lan rộng và sự tức giận của công chúng đối với các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt nhất thế giới.
Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva hôm thứ Sáu cho biết việc hiệu chỉnh thêm chiến lược COVID của Trung Quốc sẽ rất quan trọng để duy trì và cân bằng sự phục hồi của nền kinh tế.
Các nhà phân tích tại ANZ Research cho biết: “Nhu cầu dầu đã bị ảnh hưởng do các biện pháp nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn virus, nhu cầu dầu hiện ở mức 13 triệu thùng mỗi ngày, thấp hơn 1 triệu thùng/ngày so với mức trung bình”.
Tuy nhiên, thị trường dầu bị sức ép bởi đồng đô la Mỹ, khi đồng bạc xanh rời khỏi mức thấp nhất trong 16 tuần so với rổ các loại tiền tệ khác, sau khi dữ liệu cho thấy chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ tăng mạnh trong tháng 10.
Trong khi đó, các chính phủ Liên minh châu Âu đã tạm thời đồng ý về mức trần giá 60 USD/thùng đối với dầu của Nga vận chuyển bằng đường biển với cơ chế điều chỉnh để giữ mức trần ở mức thấp hơn 5% so với giá thị trường, theo các nhà ngoại giao và một văn bản mà Reuters xem được.
Tất cả các chính phủ EU phải phê duyệt thỏa thuận bằng văn bản trước thứ Sáu. Một nhà ngoại giao EU cho biết Ba Lan, quốc gia đã thúc đẩy mức trần càng thấp càng tốt, đã không xác nhận rằng họ sẽ ủng hộ thỏa thuận này.
BofA Global Research cho biết trong một lưu ý rằng việc hạn chế giá dầu thô của Nga sẽ dẫn đến người mua phải trả nhiều tiền hơn cho dầu trên thị trường toàn cầu và thể hiện "nguy cơ tăng giá mạnh vào năm 2023."
BoFa cho biết nếu Nga phản ứng bằng việc sản xuất ít dầu hơn đáng kể thì nước này có thể "thúc đẩy giá dầu tăng cao hơn". BofA giả định sản lượng dầu của Nga sẽ đạt tổng cộng 10 triệu thùng/ngày vào năm 2023, trong khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế đưa ra sản lượng 9,59 triệu thùng/ngày.