Bản tin chiều 02/01/2019
Thị trường dầu giảm khoảng 1% trong ngày giao dịch đầu tiên của năm 2019 vào thứ Tư, do chịu sức ép từ sản lượng Mỹ gia tăng và lo ngại về sự suy giảm kinh tế trong năm 2019 khi hoạt động của nhà máy ở Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, thu hẹp sản xuất.
Dầu thô Brent giao tháng 3 ở mức 53,27 USD/thùng, giảm 53 cent, tương đương 1%, từ mức đóng cửa cuối cùng của năm 2018. Hợp đồng WTI giao tháng 2 ở mức 44.84 USD/thùng, giảm 2.1%.
Tại thị trường dầu giao ngay, dầu thô Dubai trung bình đạt 57,318 USD/thùng trong tháng 12, mức thấp nhất kể từ tháng 10 năm 2017, hai thương nhân cho biết hôm thứ Tư.
Các trader cho biết giá tương lai giảm do dự đoán cung vượt cầu trong bối cảnh sản xuất của Mỹ tăng và lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu.
Hoạt động của các nhà máy suy yếu vào tháng 12 trên khắp châu Á, trong đó có cả Trung Quốc, khi chiến tranh thương mại Trung-Mỹ và sự suy giảm nhu cầu của Trung Quốc đánh vào sản xuất ở hầu hết các nền kinh tế, chỉ ra một sự khởi đầu khó khăn cho khu vực tăng trưởng kinh tế hàng đầu thế giới trong năm 2019.
Giá dầu đã kết thúc năm 2018 thấp hơn lần đầu tiên kể từ năm 2015, sau khi quý IV gây thất vọng phải chứng kiến người mua tháo chạy khỏi thị trường vì lo ngại nguồn cung quá nhiều và các tín hiệu trái chiều liên quan đến lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.
Trong năm 2018, WTI đã giảm gần 25%, trong khi Brent giảm gần 20%.
Viễn cảnh của năm 2019 gặp nhiều bất ổn, các nhà phân tích cho biết, bao gồm lo lắng cuộc thương mại Mỹ-Trung, Brexit cũng như sự bất ổn chính trị và xung đột ở Trung Đông.
Một cuộc thăm dò của Reuters cho thấy giá dầu dự kiến sẽ giao dịch dưới 70 USD/thùng trong năm 2019 do sản xuất dư thừa, phần lớn đến từ Mỹ và tăng trưởng kinh tế chậm lại làm suy yếu các nỗ lực do Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) dẫn đầu để cắt giảm nguồn cung và vực giá lên.
Về phía sản xuất, mọi con mắt sẽ tập trung vào sự gia tăng liên tục trong sản lượng của Mỹ và kỷ luật nguồn cung của OPEC và Nga.
Sản lượng dầu thô của Mỹ đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại là 11,537 triệu thùng mỗi ngày hồi tháng 10, Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) cho biết hôm thứ Hai. Điều đó làm cho nước này trở thành nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới vượt cả Nga và Saudi.
Dữ liệu hàng tuần đã được báo cáo vào tuần trước ở mức 11,7 triệu thùng mỗi ngày vào cuối tháng 12 bởi EIA.
Dự báo
Sau những ngày nghỉ lễ, các nhà giao dịch sẽ quay trở lại với sự tập trung sắc nét hơn vào các nguyên tắc cơ bản cùng-cầu, nhưng có vẻ như những lo ngại vẫn còn ám ảnh nhà đầu tư, nhất là triển vọng kinh tế năm nay được dự báo là u ám. Trong khi đó, sản lượng đá phiến được cho là sẽ tiếp tục tăng dù giá dưới 50 USD sẽ gây khó khăn cho một số công ty. Cho đến nay, vẫn chưa có yếu tố lạc quan nào để hỗ trợ cho giá ngoài cuộc họp bất thường vào tháng 4 của OPEC (được hiểu là một đợt cắt giảm sản xuất khác) để kích giá tăng trên thị trường sau khi thỏa thuận vừa đạt được hồi tháng 12 không được như kỳ vọng. Do đó, tính biến động sẽ tiếp tục duy trì trong thời gian tới.