Thị trường tiền tệ và vàng có sự đảo chiều trong những ngày đầu sau kỳ nghỉ năm mới. Giá dầu tiếp tục leo thang mạnh mẽ do thông tin sản xuất lạc quan từ khắp nơi trên thế giới.
Trong tháng 12 vừa rồi, ngành sản xuất Mỹ tiếp tục đi lên, đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ nhất kể từ hồi 2006. Viện quản lý nguồn cung, một hiệp hội các nhà sản xuất Mỹ, cho biết chỉ số sản xuất tháng 12/2009 tăng lên 55,9 điểm, so với 53,6 điểm hồi tháng 11. Đây là tháng thứ 5 liên tiếp chỉ số này tăng.
Hồi tháng 4/2006, chỉ số này đạt đỉnh 56 điểm, và dần đi xuống, chạm đáy 32,9 điểm vào tháng 12/2008. Nhiều chỉ số kinh tế khác của Mỹ cũng được báo cáo khả quan như số lượng việc làm, giá cả. Lượng đơn đặt hàng mới tăng tháng thứ 6 liên tiếp.
Trong số 18 ngành được khảo sát, có 9 ngành tăng trưởng mạnh, bao gồm may mặc, xăng dầu và than, máy tính và hàng điện tử, máy móc, trang thiết bị giao thông, nội thất và thực phẩm. Cùng lúc đó, 7 ngành khác chứng kiến thụt lùi tăng trưởng như sản phẩm từ gỗ, sản phẩm hóa học, đồ nhựa và cao su, in ấn.
Các nới khác trên thế giới cũng đón nhận những tin tức lạc quan. Chỉ số thị trường sản xuất của Trung Quốc tháng 12 tăng từ 55,7 lên 56,1 điểm. Số lượng đơn đặt hàng và năng suất sản xuất đi lên tháng thứ 9 liên tiếp. Chỉ số sản xuất của 16 nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu đạt đỉnh cao nhất suốt 21 tháng trong tháng 12, nhờ sợ bùng nổ tại Đức, Pháp.
Giá dầu hướng đến mốc 82 USD/thùng do thời tiết lạnh giá khiến nhu cầu sưởi ấm tại Mỹ và châu Âu tăng cao. Bắc Kinh và Seoul cũng đang rơi vào đợt tuyết lớn nhất trong hơn nửa thế kỷ qua, kích thích nhu cầu năng lượng tăng lên. Mức giá cao nhất suốt 14 tháng còn nhờ những thông tin lạc quan về ngành sản xuất trên khắp thế giới.
Tính đến 8h47 theo giờ Sydney sáng nay, dầu giao dịch tại New York tăng thêm 12 cent, đứng ở 81,63 USD/thùng. Hôm qua, giá tăng một mạch 2,15 USD, lên mức 81,51 USD, cao nhất kể từ tháng 10/2008. Kho dự trữ dầu sưởi của Mỹ liên tục giảm trong 6 tuần qua, đà giảm dài nhất kể từ tháng 4, chứng tỏ nhu cầu năng lượng đang tăng mạnh.
Trái ngược với giá dầu, thị trường tiền tệ chứng kiến đà giảm của USD so với các loại tiền tệ chủ chốt. Tính đến 11h25 sáng nay theo giờ Sydney, mỗi euro tương đương với 1,4425 USD. USD mất giá nhẹ so với mức giá 1.4413 ngày hôm qua. Nhờ USD giảm, giá vàng thế giới tăng vọt từ quanh 1.100 USD lên 1.120 USD sáng nay, sau nhiều ngày giảm liên tiếp.
Hôm chủ nhật, Ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse bị các đưa ra tòa án bang Idaho, Mỹ trong một vụ kiện trị giá 24 tỷ USD. Đứng đằng sau đơn kiện là hơn 3.000 người đã mua nhà cửa, bất động sản tại 4 khu nghỉ dưỡng khác nhau tại miền trung nước Mỹ. Chủ đầu tư của tất cả các khu nghỉ dưỡng này xây bằng tiền vay của Credit Suisee, và đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản hồi năm ngoái do không trả được nợ.
Hơn 3.000 chủ bất động sản cho rằng họ bị thiệt hại nặng nề do ngân hàng Thụy Sĩ đã không cung cấp các hạng mục đã hứa như sân golf, đường trượt tuyết, nhà hàng, bể bơi, đường xá. Thực chất, đây là những khu nghỉ dưỡng chưa hoàn thiện và chưa bao giờ hoạt động.
Trong đơn kiện, các chủ sở hữu bất động sản cáo buộc ngân hàng đã vẽ ra một kế hoạch hoàn hảo để thổi giá trị của bất động sản lên cao. Credit Suisee thừa biết khu nghỉ dưỡng sẽ không bao giờ có thể hoạt động được dưới khoản vay, nhờ đó sẽ họ sẽ thu hồi được toàn bộ khu đất với giá rẻ mạt.
Thị trường ôtô Trung Quốc tiếp tục chứng tỏ sự tăng trưởng vượt bậc sau báo cáo của hãng Ford China cho thấy họ đã bán được 316.139 chiếc trong năm 2009 tại đây, tăng 54,5% so với hồi 2008.
Chỉ riêng trong tháng 12, Công ty Changan Ford Mazda, liên doanh giữa Ford, công ty ôtô Chongqing Changan Auto và Mazda Motor đã bán được 27.680 chiếc, tăng 61,4% so với cùng kỳ năm trước đó.
Trung Quốc tiếp tục là thị trường xe hơi lớn nhất toàn cầu, là điểm sáng hiếm hoi trong thời điểm các thị trường khác vẫn chưa khả quan trở lại sau suy thoái kinh tế. Những chính sách kinh tế của Chính phủ Trung Quốc tiếp tục kích thích người dân chi tiêu tiêu dùng.
Mới đây, các chuyên gia cảnh báo khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu có thể đối diện khủng hoảng nợ nần trong năm 2010. Để kéo 16 nước EU ra khỏi suy thoái, các chính phủ đã mạnh tay vay mượn và giờ đây, nợ đang là gánh nặng đè lên vai các thành viên trong khối. Đức, nước vẫn được xem là nền kinh tế khắt khe với chính sách tài chính tiền tệ, đã dự báo nợ công trong năm 2010 có thể lên đến 78% GDP. Còn tại Pháp, nền kinh tế lớn thứ hai châu Âu, nợ công nhảy lên con số kỷ lục 75,8% GDP trong quý 3/2009.
Vào năm 2010, nợ công trung bình của các nước EU có thể lên tới 84% GDP, so với con số 18% hồi 2007, báo cáo của EU nhận định. Giới hạn nợ an toàn của các nước EU trong suy thoái là 60% GDP. Thâm hụt ngân sách tăng cao, tăng trưởng thấp là những yếu tố khiến nợ nần ngày càng tăng, Ủy ban châu Âu cảnh báo trong một tuyên bố hôm chủ nhật. Các tổ chức đánh giá tín nhiệm đã lần lượt hạ mức tín nhiệm nợ của Hy Lạp, Ireland và Tây Ban Nha.
vnexpress