Cơ quan chức năng tại Mỹ bắt đầu vào cuộc điều tra một số ngân hàng Mỹ trong việc kinh doanh chứng khoán rủi ro. Thị trường tiền tệ lặng sóng trước Giáng Sinh trong khi dầu thô tăng mạnh do thời tiết giá lạnh.
Trong tuần kết thúc vào ngày 19/12, số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9 năm ngoái, chỉ còn 452.000, giảm 28.000 so với tuần trước đó, theo thông tin từ Bộ Lao động Mỹ. Kết quả này khả quan hơn dự báo của các chuyên gia kinh tế.
Số lượng người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc vào ngày 12/12 cũng giảm xuống 5,076 triệu người, so với khoảng 5,203 triệu người tuần trước đó.
Hồi tháng 11, giới phân tích bất ngờ khi nước Mỹ chỉ mất 11.000 việc làm, đưa tỷ lệ thất nghiệp về 10%. Tuy những số liệu liên tiếp cho thấy bức tranh việc làm đã sáng sủa hơn, nhiều chuyên gia vẫn tỏ ra thận trọng. Andrew Gledhill từ trang Economy.com e rằng số lượng đơn giảm đi chỉ vì nhiều người trì hoãn việc đi nộp đơn để chuẩn bị cho kỳ nghỉ Giáng Sinh.
Trong quý 3 vừa rồi, nền kinh tế Mỹ tăng trưởng 2,2% sau 4 quý đi xuống liên tiếp. Nhiều người tin rằng đà phục hồi của nền kinh tế Mỹ sẽ có thể bị cản trở bởi tỷ lệ thất nghiệp cao, thu nhập hạn chế và lòng tin tiêu dung giảm sút.
USD mất giá nhẹ so với đồng euro trong hôm nay do nhà đầu tư trở nên nghi ngờ đà phục hồi cùng triển vọng tăng lãi suất cơ bản của Mỹ. Ảnh: tradertech
Trong phiên giao dịch ngày thứ năm, giá dầu có mức tăng khá mạnh, nhờ thông tin lượng dự trữ năng lượng Mỹ giảm mạnh. Hợp đồng dầu giao tháng 2 đã leo lên 78,05 USD một thùng, tăng 1,38 USD so với đầu phiên. Trước đó một ngày, giá đạt 76 USD một thùng.
Số liệu do Bộ Năng lượng Mỹ cho biết lượng dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 4,9 triệu thùng, xuống chỉ còn 327,5 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 18/12. Các sản phẩm chưng cất, trong đó có dầu sưởi, cũng giảm mạnh về khối lượng dự trữ, trong khi nhu cầu sưởi ấm đang rất lớn do Mỹ và châu Âu đang trải qua đợt thời tiết lạnh giá.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn nghi ngờ về tính bền vững của đợt tăng giá mạnh gần đây, khi mà dự trữ dầu thô vẫn ở mức cao nhất trong vòng 5 năm.
Trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh, đôla Mỹ giao dịch trong biên độ khá hẹp. Tiền tệ lặng sóng một phần do các nhà đầu tư lơ là giao dịch để bắt đầu kỳ nghỉ lễ. Euro tăng giá nhẹ so với USD nhưng không đáng kể. Hiện một euro tương đương với 1,4356 USD, so với mức 1,4335 USD cuối ngày thứ tư. Đến 5h sáng nay theo giờ Tokyo, mỗi euro tương đương với 1,4371 euro.
Thị trường phản ứng với thông tin số lượng đơn đặt hàng lâu bền tại Mỹ chỉ tăng 0,2% trong tháng 11, trong đó tăng mạnh nhất là máy tính và đồ điện tử. Đây là mức tăng khiêm tốn so với kỳ vọng của nhà đầu tư. Họ cũng trở nên nghi ngờ vào triển vọng phục hồi, sau báo cáo doanh số bán nhà mới giảm mạnh và chi tiêu tiêu dùng không tăng như dự kiến.
Giới báo chí Mỹ ngày thứ tư loan tin Quốc hội, Ủy ban chứng khoán và ngoại hối Mỹ cùng một số cơ quan khác sẽ bắt tay vào điều tra liệu các ngân hàng đầu tư Phố Wall có cố ý bán chứng khoán có dấu hiệu nguy hiểm cho khách hàng, và sau đó thu lời nhờ vào đà giảm của thị trường trong thời gian qua hay không.
Những ngân hàng bị điều tra bao gồm Goldman Sachs, Morgan Stanley, và Deutsche Bank. Các nhà chức trách đang điều tra công cụ chứng khoán bảo đảm bằng tài sản (CDO) của các ngân hàng này. Công việc điều tra hiện chỉ mới ở giai đoạn bắt đầu.
Lần đầu tiên trong vòng 4 tháng, tỷ lệ thất nghiệp của Nhật Bản tăng lên mức 5,2% trong tháng 11, so với 5,1% của tháng 10. Kết quả này phù hợp với dự báo của 26 chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát của Bloomberg trước đó. Tuy số lượng người mất việc tăng lên, nhưng các chuyên gia cho rằng tình hình sẽ không tồi tệ thêm trong thời gian tới.
Cho đến nay, các chính sách kích thích trị giá hơn 2 tỷ USD đã ít nhiều vực lại xuất khẩu và sản xuất của Nhật Bản, hỗ trợ lòng tin doanh nghiệp tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Tuy nhiên, lòng lạc quan chưa lan tỏa đến các hộ gia đình Nhật khi họ vẫn đang lo lắng về nguy cơ giảm phát và mất việc.
Một báo cáo khác cũng cho thấy giá tiêu dùng trong tháng 11 của Nhật Bản giảm tháng thứ 9 liên tiếp. Giá cả bao gồm thực phẩm tươi giảm 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo dự báo của Bank of Japan, doanh số bán ra của những công ty dịch vụ hàng đầu sẽ giảm 11,8% trong năm tài chính kết thúc vào 31/3. Người tiêu dùng ngày càng bi quan sau 17 tháng giảm lương liên tiếp, buộc giá cả phải giảm theo.
Hôm qua, ngân hàng Merrill Lynch dự báo thặng dư thương mại của Trung Quốc có thể giảm 19% trong năm 2010 do nhu cầu nội địa tăng cao khiến kim ngạch nhập khẩu tăng vọt. Như vậy, thặng dư thương mại 2009 của nước này năm sau sẽ đạt 160 tỷ USD, so với con số 198 tỷ USD của năm 2009.
Đại diện Bộ thương mại Trung Quốc cho rằng con số thặng dư khiêm tốn hơn sẽ giúp xóa mờ bất đồng giữa Trung Quốc - nước vốn tham vọng trở thành nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới, với các đối tác thương mại. Những bất đồng với Mỹ và EU trong vấn đề da giày, lốp xe, linh kiện và gần đây nhất là lời phàn nàn của chính quyền Obama về một số chính sách bảo hộ của Trung Quốc đã dựng lên một số hàng rào thương mại.
Theo đó, năm 2010, kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc dự kiến tăng 16%, so với đà tăng 9% của xuất khẩu. Thặng dư thương mại Trung Quốc từng đạt kỷ lục 295 tỷ USD hồi 2008, và giảm mạnh trong năm 2009 do suy thoái kinh tế toàn cầu.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, chìa khóa then chốt quyết định thị trường toàn cầu trong năm 2010 sẽ là Trung Quốc chứ không phải Mỹ.
vnexpress