Đôla Mỹ mất tiếp tục lao dốc, trở thành lực đẩy cho giá vàng và dầu thô đi lên. Xuất nhập khẩu Trung Quốc cho thấy dấu hiệu khả quan trong khi hãng vận tải lớn nhất châu Á phải đối mặt với nguy cơ phá sản.
Đôla Mỹ tiếp tục mất giá do tác động của từ thị trường lao động. Ảnh: Reuters. |
USD tiếp tục mất giá trong phiên giao dịch đầu tuần tại châu Á do tác động từ thị trường lao động Mỹ. Một euro hiện đổi được 1,4468 USD, so với mức 1,4414 USD vào cuối phiên giao dịch ngày thứ 6 tại New York. Nhiều nhà đầu tư dự báo tỷ giá có thể ở mức 1,480 USD đổi một euro trong tuần này.
Thị trường hối đoái Tokyo không ghi nhận nhiều giao dịch trong sang ngày 11/1. Tuy nhiên, xu thế bán ra đôla Mỹ nhằm cắt lỗ khá phổ biến trong giới đầu tư. Chỉ số Dollar Index (DXY) mất 0,42%, đạt 77,149 điểm sau khi đã leo lên mức 78,187 điểm vào ngày 8/1.
Trong khi đó vàng đạt mức tăng giá cao nhất trong vòng hơn một tháng qua (24 USD một ounce) trên thị trường giao dịch điện tử châu Á. Đà tăng được cổ vũ bởi sự mất giá của đồng USD và xu thế mua vào mạnh mẽ của các nhà đầu tư Trung Quốc.
Nhà đầu tư Trung Quốc mua vào khá mạnh trong ngày 11/1. Ảnh: Reuters |
Vàng giao tháng 2 trên thị trường giao dịch toàn cầu Globex đạt 1.163 USD một ounce. Những hợp đồng có thời hạn giao muộn hơn có giá khoảng 1.155 USD một ounce. Đáng chú ý là giá vàng mới chỉ ở mức 1.138,9 USD một ounce.
Dầu thô cũng tiếp tục lên giá với động lực từ sự đi lên của kinh tế thế giới. Giá dầu tăng 0,56 USD (0,68%), đạt 83,31 USD một thùng tại Singapore vào lúc 10 giờ sáng nay (giờ Hà Nội).
Chính phủ Trung Quốc cho biết xuất nhập khẩu của nước này tăng mạnh trong tháng 12/2009. Giới phân tích cho rằng đây sẽ là động lực để giới chức nước này cho phép đồng Nhân dân tệ tăng giá trở lại trong thời gian tới.
Xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới tăng 17,7% trong tháng 12/2009 so với cùng kỳ 2008, và tăng 4% so với dự báo của các chuyên gia. Nhập khẩu của Trung Quốc cũng đạt mức tăng 55,9% (dự báo trước đó là 31%).
Xuất nhập khẩu Trung Quốc cho thấy tín hiệu lạc quan. Ảnh: AP. |
Cùng lúc đó, Văn phòng Chính phủ Trung Quốc cho biết sẽ áp dụng một số biện pháp nhằm kiềm chế đà tăng giá bất động sản tại một số thành phố lớn tại nước này (có nơi đã lên tới 40% trong vòng vài tháng trở lại đây). Các quan chức cho rằng việc thắt chặt quản lý giá bất động sản có thể giúp chính quyền có điều kiện hơn trong việc phát triển các chính sách nhà ở xã hội, nhà cho người có thu nhập thấp…
Japan Airlines đang phải đối mặt với nguy cơ phá sản ngày càng rõ ràng hơn khi Thủ tướng Nhật Yukio Hatoyama nhiều khả năng sẽ không chấp nhận bơm thêm 1.500 tỷ yen (16 tỷ USD) cho kế hoạch giải cứu tốn kém dành cho hãng này. Nếu điều này trở thành hiện thực, hãng hàng không thành lập năm 1951, đồng thời cũng là nhà vận tải lớn nhất châu Á sẽ đi vào lịch sử với tư cách là vụ phá sản lớn thứ 6 của Nhật. Quyết định cuối cùng sẽ được Chính phủ Nhật đưa ra trong tuần này.
Hãng vận tải lớn nhất thế giới có nguy cơ phá sản rất cao. Ảnh: Bloomberg. |
Theo khảo sát mới nhất của hãng kiểm toán Mercer, hầu hết các ngân hàng tại Mỹ đã tăng lương cho CEO trong thời gian qua. Tuy nhiên, nhằm giảm bớt chỉ trích từ phía dư luận, các ngân hàng này đều cắt giảm tiền thưởng hàng năm dành cho các nhân vật “cá mập” này.
80% trong số 61 ngân hàng được khảo sát cho biết đã thay đổi cơ cấu lương cho giới lãnh đạo. Trong đó, 65% đã tăng lương cơ bản và 88% cho biết sẽ cắt giảm tiền thưởng hàng năm dành cho CEO.
Bên kia bờ Đại Tây Dương, các ngân hàng Anh đang lo sợ đà phục hồi sẽ sớm chững lại vào tháng 3 tới, theo khảo sát của Liên minh Công nghiệp Anh (CBI). Tăng trưởng của ngành dịch vụ tài chính Anh những tháng vừa rồi cũng thấp hơn so với dự đoán, theo thống kê của CBI và hãng Pricewaterhouse Coopers.
Khi được hỏi về tình hình kinh doanh 3 tháng tính đến tháng 12 vừa rồi, chỉ có 32% số ngân hàng cho biết công việc kinh doanh tiến triển. 28% trong số được hỏi cho biết họ đang thụt lùi. "Các hãng tài chính, ngân hàng nhận thấy công việc kinh doanh của họ đang có dấu hiệu đi xuống khi lợi nhuận trong ba tháng vừa qua không tiến triển", chuyên gia kinh tế chính từ CBI nhận xét.
Tổng thống Argentina Cristina Fernández de Kirchner. Ảnh: Reuters |
Khủng hoảng nợ tại Argentina đang đưa Tổng thống nước này và Ngân hàng trung ương vào thế đối đầu. Tuần trước, nữ tổng thống Argentina Cristina Fernández de Kirchner muốn rút 6,5 tỷ USD trong kho dự trữ ngoại tệ 48 tỷ USD của Ngân hàng trung ương để trang trải nợ, giải quyết căng thẳng chính trị tại nền kinh tế lớn thứ ba Mỹ La tinh. Hiện Argentina đang phải đối mặt với các khoản vay trị giá 13 tỷ USD đến hạn phải trả trong năm nay.
Tuy nhiên, Chủ tịch của ngân hàng trung ương là Martín Redrado đã từ chối thực thi mệnh lệnh trên, dẫn đến việc ông bị nữ tổng thống ra quyết định sa thải. Chỉ một ngày sau đó, thẩm phán của tòa án tối cao nước này ra lệnh yêu cầu chủ tịch của ngân hàng trung ương tiếp tục giữ chức vụ, tuyên bố chỉ có Quốc hội mới có quyền sa thải ông. Căng thẳng giữa hai bên khiến thị trường tài chính Argentina, vốn đã suy yếu, nay đứng trước nguy cơ rơi vào khủng hoảng mới.
vnexpress