Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tin vắn kinh tế tài chính 31/12

Ngày cuối năm, nhiều tập đoàn vẫn chưa thoát được nỗi lo phá sản, nợ nần hoặc chậm tiến độ. Trong khi đó, giá đôla và dầu đều tăng cao nhờ tín hiệu lạc quan kinh tế Mỹ.

Nỗi lo sợ phá sản đang bao trùm hãng hàng không Japan Airlines (JAL), khi gánh nặng nợ nần khiến giá cổ phiếu của hãng giảm một mạch gần 24%. Hiện mỗi cổ phiếu của JAL chỉ còn tương đương 60 yen,thấp nhất kể từ khi JAL sáp nhập với Japan Air System hồi 2002.

Cổ phiếu của JAL mất giá sau những báo cáo cho thấy hãng hàng không lớn nhất Nhật Bản vẫn tiếp tục thua lỗ sau những sự cố liên tiếp như cúm lợn, suy thoái kinh tế. Để tiếp tục được bay, JAL đang xin chính phủ gói cứu trợ khẩn cấp thứ 4 kể từ năm 2001. Trong 6 tháng tính đến tháng 9/2009, JAL thua lỗ tới 1,5 tỷ USD.

Hãng Japan Airlines từng 3 lần xin tiền cứu trợ của chính phủ Nhật kể từ hồi 2001. Ảnh: Boeing

Giới báo chí loan tin rằng phá sản giờ đây đang là một lựa chọn cho JAL. Nếu xin bảo hộ phá sản, JAL sẽ có thời gian để tái cấu trúc các khoản nợ và cân nhắc các giải pháp cải tổ như cắt giảm hàng nghìn nhân lực.

Nhà sản xuất máy bay Airbus sẽ không hoàn thành mục tiêu giao hàng siêu máy bay A380 đúng hẹn trong năm nay, đại diện của hãng tuyên bố vào ngày giáp cuối năm. 2009 đánh dấu một năm thụt lùi về sản lượng và trục trặc kỹ thuật của hãng.

Nguồn tin thân cận cho biết trong năm nay, hãng sẽ chỉ kịp giao 10 chiếc cho các hãng hàng không, kém 3 chiếc so với mục tiêu. Một năm trước đó, Airbus từng phải giảm mục tiêu giao hàng năm 2009 từ 21 xuống còn 13 chiếc. Người phát ngôn của Airbus cho biết những chiếc máy bay không kịp giao trong 2009 sẽ được chuyển đến cho người mua vào tháng 1 năm sau.

Máy bay Airbus A380 đã phải hoãn giao hàng nhiều lần cho các hãng hàng không do trục trặc kỹ thuật. Ảnh: wikiwirral.co.uk

Từ 2008 đến nay, hàng loạt trục trặc kỹ thuật khiến công việc giao hàng của Airbus bị chậm trễ. Hồi tháng 9, một chiếc A380 của hãng Singapore Airlines đã phải chuyển lại về Paris sau khi một trong bốn động cơ bị hỏng khi đang bay tới Singapore.

Bà Anastasia Kelly, phó chủ tịch của tập đoàn bảo hiểm AIG phụ trách mảng luật pháp, nguồn nhân lực, truyền thông tập đoàn đã từ chức do lương thưởng của ông bị chính quyền Obama hạn chế. Trước đó, chính phủ Mỹ đã ra quyết định tất cả tập đoàn nào nhận tiền cứu trợ của chính phủ chỉ được trả lương cho lãnh đạo dưới 500.000 USD.

Ảnh chụp hồi tháng 5/2009, bà Anastasia Kelly (trái) đang thảo luận với cựu CEO của AIG, ông Edward Liddy và nghị sĩ Dennis Kucinich. Ảnh: WSJ

Trước đó, Kelly cùng 4 lãnh đạo cấp cao khác của AIG đã đưa ra tối hậu thư cho nhà bảo hiểm rằng họ sẽ từ chức để nhận tiền trợ cấp nghỉ việc nếu lương thưởng bị chính phủ hạn chế. Lãnh đạo của AIG đã nhiều lần gặp gỡ và đàm phán với Kenneth Feinberg, người phụ trách lương thưởng của chính phủ để đàm phán nhưng bất thành. Sau Kelly, có thể cả CEO của AIG là ông Robert Benmosche cũng sẽ đệ đơn từ chức.

Kể từ hồi 2008 đến nay, chính phủ đã rót 180 tỷ USD vào AIG nhằm ngăn chặn vụ sụp đổ mang tính ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống tài chính Mỹ. Hiện chính phủ Mỹ nắm 80% cổ phần của AIG, tập đoàn bảo hiểm lớn nhất thế giới về giá trị thị trường.

Trong khi nhiều ngân hàng Mỹ đua nhau trả nợ chính phủ, hôm qua, GMAC cho biết họ lại mới nhận thêm 3,79 tỷ USDtừ Bộ Tài chính. Sau khi bơm thêm tiền, chính quyền Obama nâng tỷ lệ nắm giữ cổ phần trong tập đoàn ngân hàng này lên 56%. GMAC là ngân hàng duy nhất tại Mỹ cần bơm thêm tiền trong thời điểm ngành tài chính đang dần phục hồi. Khoản tiền bơm thêm sẽ giúp GMAC tự bảo vệ mình trước những tổn thất có thể xảy ra trong tương lai, hậu quả của việc kinh doanh thế chấp dưới chuẩn trước đây.

Theo thống kê mới nhất, chi tiêu tiêu dùng trực tuyến trong mùa nghỉ lễ vừa qua tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Từ đầu tháng 11 đến hết đêm Noel, người dân Mỹ chi 27,12 tỷ USD mua sắm qua mạng, hãng thống kê comScore tổng kết.

Trong đó, doanh số bán hàng điện tử, trang sức và đồng hồ tăng mạnh hơn 20%, sau khi đã có một mùa mua sắm ảm đạm hồi cuối năm ngoái. Hồi 2008, doanh thu mua sắm qua mạng giảm 3%, cũng theo đánh giá của nhà thống kê trên.

Một báo cáo khác cho thấy doanh số bán hàng tại các cửa hàng trong dịp Giáng sinh cũng tăng mạnh. Trong tuần kết thúc vào ngày 26/12, doanh thu bán lẻ tăng tới 8,8%. Trong một ngày sau lễ Giáng Sinh, người dân Mỹ bỏ ra 7,9 tỷ USD, tăng nhẹ so với con số 7,8 tỷ USD ngày này năm ngoái. Đây là ngày mua sắm lớn thứ hai trong năm sau Black Friday, ngày thứ sáu đầu tiên sau Lễ Tạ ơn. Hôm đó, người Mỹ đã chi tới 10,66 tỷ USD.

Những thông tin khả quan trên thị trường Mỹ khiến giá đôla tiếp tục tăngtrong ngày cuối năm, đánh đầu năm đầu tiên USD tăng điểm so với đồng yen kể từ 2006.

Tính đến 10h20 sáng 31/12 tại Tokyo, mỗi USD tương đương với 92,47 yen, với với mức 92,44 yen cuối ngày hôm qua tại New York. Đây là mức giá cao nhất của USD so với đồng yen kể từ ngày 8/9. Các chuyên gia nhận định 2009 có vẻ như là một năm không mấy suôn sẻ với kinh tế Nhật như những nước khác tại châu Á. Hôm nay, USD cũng đang hướng đến tháng tăng điểm đầu tiên trước đồng tiên chung châu Âu kể từ hồi tháng 6.

Trong ngày cuối năm, giá dầu tiếp tục tăng ngày thứ 7 liên tiếp do thời tiết giá lạnh vẫn đang hoành hành tại Mỹ. Bất chấp những lo lắng về lượng tiêu thụ giảm trong suy thoái kinh tế, giá dầu năm 2009 đánh dấu năm tăng giá lớn nhất kể từ hồi 1999.

Sáng nay, hợp đồng dầu giao tháng 2 tăng thêm 27 cent, đứng ở 79,55 USD một thùng. Hôm qua, giá nhảy lên mức cao nhát suốt 6 tuần tại 79,28 USD sau những thông tin về căng thẳng tại Iran, nhà sản xuất dầu lớn thứ 2 trong khối OPEC. Những tín hiệu phục hồi lớn nhất thế giới cũng giúp đẩy giá lên cao.

Các chuyên gia từ Barclays Capital mới đây nâng dự báo giá dầu cho năm sau thêm 37 cent, đạt 85 USD một thùng. Trong năm 2009, giá trung bình đạt 62 USD. Cùng lúc đó, nhiều chuyên gia khác dự đoán mức giá cao nhất cho thị trường năm sau có thể đạt trên 90 đến 110 USD một thùng.

Hôm thứ tư, một tòa án Mỹ đã đồng ý điều tra đơn khiếu kiện của Samsung, cáo buộc hãng Sharp của Nhật đã vi phạm luật bản quyền cho mẫu màn hình tinh thể lỏng của họ.

Đây là động thái mới nhất sau hàng loạt những lần khiếu kiện lẫn nhau của hai nhà sản xuất màn hình tinh thể lỏng. Hồi giữa tháng 12, Sharp đã giành phần thắng trước Samsung trong cuộc chiến bản quyền tại Hà Lan. Phiên tòa hôm đó đã yêu cầu chi nhánh Samsung tại Hà Lan dừng nhập khẩu và bán sản phẩm tivi LCD và màn hình panel LCD sử dụng công nghệ bị cáo buộc vi phạm bản quyền.

Sharp hiện là nhà sản xuất tivi LCD lớn thứ tư thế giới. Trong khi Samsung là nhà sản xuất lớn nhất. Hai hãng hiện đối đầu trong các phiên tòa vi phạm bản quyền tại nhiều nước khác trên thế giới như Nhật Bản, Đức, cùng nhiều khu vực tại Mỹ.

vnexpress

ĐỌC THÊM