Những tin tức trái ngược nhau trong ngày khiến thị trường tiền tệ chững lại, dầu thô và vàng giảm giá. Cùng lúc đó, thị trường xe hơi toàn cầu dự báo một năm đầy lạc quan.
USD ở thế phòng thủ trong sáng nay, sau khi rơi xuống mức thấp nhất suốt 3 tuần đối với các loại tiền tệ chủ chốt. Sáng nay, đồng euro đứng vững ở tỷ lệ 1 EUR ăn 1,4516 USD sau khi tăng 0,7% giá trị trong ngày thứ 2. Đôla Mỹ trong phiên giao dịch châu Á sáng nay ở mức 92,08 yen. Hôm qua, USD giảm 0,6% giá trị so với đồng yen sau những thông tin việc làm không tốt gây sức ép lên tờ bạc xanh.
Ngày đầu tuần, công bố lợi nhuận của nhà sản xuất nhôm hàng đầu thế giới Alcoa không đạt kỳ vọng khiến nhà đầu tư mất niềm tin vào đà phục hồi. Tuy nhiên, gánh nặng thua lỗ của hãng này lại giảm bớt. Những thông tin trái ngược nhau khiến thị trường tiền tệ chững lại. Các nhà đầu tư tiếp tục chờ đợi công bố doanh thu của JP Morgan và Intel trong tuần.
Giá dầu giảm nhẹ trở lại sau khi chạm mức cao nhất suốt 15 tháng ở 83,95 USD một thùng vào hôm qua. Thông tin lượng dầu thô Trung Quốc nhập khẩu năm 2009 tăng cao là nguyên nhân đẩy giá nhảy vọt trong ngày. Tuy nhiên đến cuối ngày, báo cáo tình hình thời tiết giá lạnh tại Mỹ và châu Âu sẽ dần kết thúc khiến giá hạ nhiệt. Đến sáng nay, hợp đồng dầu giao tương lai tại Mỹ giảm xuống chỉ còn 82,11 USD một thùng lúc 7h26 phút theo giờ Hà Nội.
Theo khảo sát của Reuters, các nhà phân tích dự đoán nhu cầu dầu thô tại Mỹ và toàn cầu sẽ tăng trong năm 2010 và 2011. Tuy nhiên, lượng xăng tiêu thụ có thể sẽ giảm so với năm vừa rồi, theo dự báo của Chính phủ Mỹ.
Trong ngày hôm nay, Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ sẽ ra báo cáo, dự kiến đánh giá kinh tế Mỹ nhiều khả năng tăng trưởng 2% trong năm nay và gần 2,7% trong năm tới, khiến nhu cầu năng lượng tăng lên.
Theo phát biểu của Chủ tịch ngân hàng trung ương châu Âu ngày thứ hai, các nền kinh tế mới nổi đang là đầu tàu kéo thế giới trên đà phục hồi. "Các nước này chứng tỏ sức bật tốt và tính chất năng động trong thời điểm hiện nay", Chủ tịch của ECB phát biểu.
Đánh giá này được đưa ra tại hội nghị của các nhà ngân hàng trung ương, tổ chức vào hôm qua. Hai tháng trước, nhóm các nhà ngân hàng trung ương tuyên bố thế giới đã thoát khỏi thời kỳ xuống dốc nhưng vẫn đang đối mặt với nhiều rủi ro.
Trụ sở ngân hàng Bank of Japan tại Tokyo. Ảnh: newsx.com |
Lần đầu tiên sau 4 năm, lượng vốn cho vay của các ngân hàng Nhật Bản đi xuống trong tháng 12 vừa rồi, do các công ty nước này vẫn hoài nghị về khả năng phục hồi và không dám vay để mở rộng kinh doanh.
Báo cáo đưa ra sáng nay cho thấy tính đến cuối tháng 12, lượng vốn cho vay giảm 1% so với cùng kỳ năm trước đó. Tháng 1/2006 là lần gần đây nhất vốn cho vay giảm, nhưng hồi đó cũng chỉ giảm 0,01%. Tháng trước, Bank of Japan giới thiệu loại hình quỹ mới nhằm giúp hạ lãi suất cho vay. Tuy nhiên, tiền rót ra chưa đáng kể khi nhu cầu vốn vẫn yếu ớt.
2010 có thể sẽ là một năm khả quan đối với ngành bán lẻ Mỹ, mặc dù tỷ lệ thất nghiệp cao và nợ tiêu dùng sẽ làm chậm đà phục hồi. Đó là những điểm chính trong dự đoán của chuyên gia kinh tế chính từ trang Moody's Economy.com. Họ cho rằng doanh số bán lẻ trong mùa lễ 2010 có thể sẽ tăng từ 3 đến 4% so với 2009.
Mặc dù vậy, giới chuyên gia nhận định việc làm sẽ tiếp tục là vấn đề gây đau đầu trong dài hạn. Trong năm 2010, nhiều khả năng tỷ lệ thất nghiệp vẫn sẽ ở mức cao, quanh 10%.
Volkswagen, nhà sản xuất xe hơi lớn nhất châu Âu, hôm thứ hai công bố đã bán được 6,29 triệu xe trong năm vừa rồi, tăng 1,1% so với 2008. Với con số này, Volkswagen chiếm 11,4% thị phần toàn cầu, so với chỉ 10,3% hồi 2008. Mặc dù đã có một năm khả quan, Phó chủ tịch của VW Christian Klingler vẫn lên tiếng cảnh báo 2010 sẽ là thời gian thử thách đối với họ.
Volkswagen đang nhăm nhe thay thế Toyota để trở thành nhà sản xuất ô tô lớn nhất toàn cầu. Hiện Toyota vẫn chưa công bố kết quả kinh doanh của năm 2009.
Volkswagen tham vọng trở thành nhà sản xuất xe hơi lớn nhất toàn cầu, vị trí vốn đang thuộc về Toyota. Ảnh: Guardian |
Trong khi đó, đối với thị trường ô tô toàn cầu, 2009 là một năm khá nhiều chông gai do suy giảm tới 6%. Thương hiệu xe sang BMW tăng trưởng giảm 10,4%, chỉ bán được 1,29 triệu xe trong suốt 12 tháng vừa qua. Hãng Daimler bán 1,13 triệu xe, bao gồm Mercedes-Benz, Smart, giảm tới 10,1% so với cùng kỳ năm 2008.
Tuy nhiên, những thị trường mới nổi như Brazil và Trung Quốc lại tăng trưởng tốt. Doanh số bán xe VW tại Trung Quốc, thị trường lớn nhất của họ, tăng tới 37,7% lên 1,4 triệu xe. Tính chung tại khu vực châu Á Thái Bình Dương, VW bán được 1,55 triệu xe, tăng trưởng 32,1% so với 2008. Các nhà phân tích dự đoán doanh số bán xe tại Mỹ năm nay có thể đạt từ 11 từ 12,5 triệu xe sau khi giảm 21% xuống còn 10,4 triệu xe trong năm 2009.
2010 dự kiến là một năm ăn nên làm ra của các nhà sản xuất xe hơi Nga sau khi nước này công bố chương trình phá xe cũ, mua xe mới vào hôm qua. Chương trình này từng rất thành công tại những nước như Đức, Mỹ.
Sau cuộc họp giữa Thủ tướng Vladimir Putin và Bộ trưởng Công nghiệp Viktor Khristenko, chính quyền nước này quyết định sẽ chi 340 triệu USD để mua lại khoảng 200.000 xe cũ từ người dân. Bất cứ ai có xe đời 1999 trở về trước, và đã sở hữu trên một năm đều có thể tham gia chương trình.
Bộ trưởng Công nghiệp Khristenko gợi ý chương trình này nên bắt đầu từ ngày 15/3. Tuy nhiên, Thủ tướng Putin cho rằng cần tiến hành sớm hơn vào 8/3, nhân ngày Quốc tế Phụ nữ và một ngày lễ khác của Nga.
Tổ chức đánh giá tín nhiệm Standard Poor nhiều khả năng sẽ nâng mức đánh giá tín nhiệm nợ của Venezuela từ "tiêu cực" lên "ổn định". Cuối tuần trước, S&P nhận xét chính sách phá giá đồng nội tệ vừa công bố đã giúp tháo gỡ những căng thẳng tài chính tại đây. Hiện mức đánh giá cho Venezuela tại hệ thống của S&P đang là BB-.
Những nỗ lực của chính phủ, cộng với viễn cảnh lợi nhuận khả quan của ngành dầu mỏ sẽ giúp tình hình kinh tế và tài chính Venezuela ổn định trở lại trong năm tới, đại diện của S&P phát biểu.
Heineken tuyên bố vừa mua lại nhà sản xuất bia Femsa của Mexico với giá 5,5 tỷ USD, chưa bao gồm các khoản nợ. Thương vụ mua bán này cho phép hãng bia Hà Lan thâm nhập thị trường mới nổi tại Nam Mỹ. Hiện Heineken là hãng bia lớn thứ hai thế giới về doanh số.
Femsa Cerveza chiếm tới 43% thị phận của thị trường bia Mexico và chiếm 9% thị phần tại Brazil. Hai nước này có mặt trong top 4 thị trường bia có lãi nhất toàn cầu. Một số loại bia của Femsa cũng được người dân Mỹ ưa chuộng. CEO của Heineken nhận xét đây là vụ mua bán cực kỳ có lợi với họ.
vnexpress