Cơ quan Năng lượng quốc tế IEA hạ dự báo tăng trưởng nhu tiêu thụ dầu thô thế giới năm 2021 từ 5,4 triệu bpd xuống 5,3 triệu bpd (-100.000 bpd) liên quan đến biến chủng coronavirus Delta, ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu nhập khẩu một số quốc gia châu Á.
Tiêu thụ dầu thô thế giới bình quân cả năm 2021 sẽ ở mức 96,2 triệu bpd, năm 2022 tăng 3,2 triệu bpd lên 99,4 triệu bpd. Song song, OPEC hầu như giữ nguyên dự báo tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu thô thế giới năm 2021 ở mức 96,6 triệu bpd (giảm 10.000 bpd), đồng thời, điều chỉnh nhẹ nhu cầu quý I và quý II/2022 (+/-200.000 bpd). Sản lượng khai thác dầu, condensate LB Nga trung bình cả năm 2021 dự kiến đạt 10,78 triệu bpd, năm 2022 tăng lên 11,78 triệu bpd.
Sản lượng khai thác OPEC+ tháng 7 tăng 700.000 bpd lên 35,82 triệu bpd, tỷ lệ tuân thủ hạn ngạch đạt 110%, trong đó, khối OPEC – 116%, non-OPEC – 99%.
Nhu cầu dầu thô thế giới năm 2021 (triệu thùng/ngày) |
Cơ quan Năng lượng Mỹ (EIA) ước tính nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu lỏng thế giới tháng 7 đã tăng 6,0 triệu bpd so với cùng kỳ năm 2020 lên 98,8 triệu bpd, nhưng vẫn thấp hơn 3,4 triệu bpd so với năm 2019, dự báo nhu cầu bình quân cả năm 2021 sẽ đạt mức 97,6 triệu bpd (+5,3 triệu bpd so với năm 2020), năm 2022 tiếp tục tăng 3,6 triệu bpd lên bình quân 101,2 triệu bpd (xấp xỉ mức 2019). Theo EIA, nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu lỏng toàn cầu sẽ lại cán mốc 100 triệu bpd trong quý IV tới, giá dầu Brent nửa cuối năm 2021 – 72 USD/thùng, năm 2022 – 66 USD/thùng.
Giá khí đốt giao ngay tại thị trường châu Âu (sàn TTF spot) vượt ngưỡng 570 USD/1000m3 trong bối cảnh Gazprom hạn chế mua thêm công suất trung chuyển qua Ukraine và sự cố hỏa hoạn tại nhà máy chế biến khí Urengoy - nơi tiếp nhận và xử lý condensate không ổn định từ các mỏ lớn nhất vùng Nadym-Pur-Taz (khu tự trị Yamalo-Nenets ngày 05/08), dẫn đến sụt giảm hơn 50% nguồn cung qua đường ống Yamal-Europe. Theo ước tính sơ bộ, vụ tai nạn sẽ khiến sản lượng khai thác khí đốt Gazprom năm 2021 giảm khoảng 8 tỷ m3 và 5 triệu tấn condensate. Mặc dù nguồn cung khí đốt vào hệ thống dẫn khí Đức đã được công ty khôi phục 0,85 – 1,8 triệu m3/giờ, giá khí tại châu Âu vẫn chưa thể hạ nhiệt bởi Gazprom đang phải sử dụng nguồn dự trữ từ hệ thống kho ngầm tại châu Âu để thực hiện nghĩa vụ hợp đồng. Nhờ giá khí tại thị trường xuất khẩu chính (châu Âu) tăng 3,6 lần so với thấp điểm năm 2020, lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2021 Gazprom đã đạt mức cao kỷ lục – 718 tỷ rúp (9,8 tỷ USD) so với khoản lỗ 3,7 tỷ USD cùng kỳ 2020, doanh thu tăng 46% lên 37,2 tỷ USD.
Nguồn tin: PetroTimes