Sự kỳ vọng vào vắc-xin Covid-19 và việc sớm kết thúc các biện pháp hạn chế để ngăn chặn đại dịch làm nhu cầu dầu tăng trở lại. Giá dầu Brent và WTI đều đạt mức cao nhất trong vòng 9 tháng trở lại đây. Diễn biến này tiếp tục làm dấy lên hy vọng cho sự phục hồi của ngành dầu khí trong thời gian tới.
Nhiều doanh nghiệp ngành dầu khí kinh doanh tăng trưởng trở lại trong quý III/2020 sau 2 quý đầu năm kém tích cực. Ảnh: Tiên Giang
Trên sàn chứng khoán, nhóm cổ phiếu dầu khí trong 1 tháng trở lại đây ghi nhận sự tăng trưởng tích cực. Tổng công ty CP Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí (PV Drilling; mã chứng khoán: PVD) tăng 23%, Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật dầu khí (PTSC; mã chứng khoán: PVS) tăng 18%, Tổng công ty Khí Việt Nam (mã chứng khoán: GAS) tăng 19,8%... Ngoài sự khởi sắc của thị trường chứng khoán, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp ngành dầu khí cũng ghi nhận sự tăng trưởng trở lại trong quý III/2020 sau 2 quý đầu năm kém tích cực do giá dầu giảm mạnh.
Đơn cử như PTSC, doanh thu và lãi ròng 6 tháng đầu năm giảm tương ứng 1,8% và 25% so với cùng kỳ năm 2019. Quý III/2020, doanh thu của Tổng công ty đạt 5.966 tỷ đồng, tăng trưởng 28,3% và lợi nhuận sau thuế tăng 163% lên 222,5 tỷ đồng.
Hay như Tổng công ty CP Vận tải dầu khí (PV Trans; mã chứng khoán: PVT), lợi nhuận 6 tháng đầu năm giảm 24,2% nhưng quý III đã hồi phục tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2019, đạt 169,4 tỷ đồng.
PV Drilling trong quý III/2020 cũng ghi nhận doanh thu thuần tăng 18,9% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1.271 tỷ đồng, chủ yếu nhờ mảng khoan tăng 46,3% với số lượng giàn khoan thuê tăng (1,7 giàn) và giá thuê ngày trung bình các giàn tự nâng tăng 4,2%. Lợi nhuận ròng tăng 43,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 37,7 tỷ đồng. PV Drilling cho biết, hoạt động dịch vụ giếng khoan tăng trưởng tốt nhờ cạnh tranh trên thị trường nội địa giảm do dịch Covid-19 hạn chế các nhà thầu nước ngoài nhập cảnh. Lãi ròng 9 tháng năm 2020 tăng 327% lên 110 tỷ đồng.
Diễn biến giá dầu Brent (Nguồn: tradingeconomics.com)
Diễn biến giá dầu trong thời gian gần đây tiếp tục dấy lên hy vọng cho sự phục hồi của ngành dầu khí.
Vào phiên giao dịch ngày 10/12, giá dầu Brent lần đầu tiên kết phiên giao dịch ở mức 50,2 USD/thùng - mức cao nhất trong vòng 9 tháng trở lại đây. Còn dầu thô WTI cũng được giao dịch ở mức gần 47 USD/thùng. Sự cải thiện của giá dầu đến từ việc vắc-xin Covid-19 được kỳ vọng tung ra thị trường toàn cầu trong thời gian tới. Mỹ bắt đầu chiến dịch tiêm chủng chống Covid-19 với những chuyến hàng đầu tiên được thực hiện vào ngày 14/12.
Ông Bjornar Tonhaugen, người đứng đầu mảng thị trường dầu thuộc Công ty tư vấn Rystad Energy cho biết: “Nhà đầu tư luôn quan sát về tình hình sản lượng tồn kho dầu thô hàng tuần của Mỹ. Việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin được kỳ vọng giúp gia tăng nhu cầu dầu và thị trường Bắc Mỹ là những người tiêu dùng chính”.
Vắc-xin Covid-19 được kỳ vọng là cơ sở cho đà hồi phục của kinh tế nói chung và nhu cầu dầu thô nói riêng trong thời gian tới, bởi các biện pháp giãn cách xã hội sẽ được dỡ bỏ, hoạt động kinh doanh và trao đổi hàng hoá quay trở lại như trước khi có dịch.
Thậm chí, Ngân hàng Bank of America cho rằng, giá dầu thô Brent nhiều khả năng đạt 60 USD/thùng ngay trong mùa hè năm 2021, khi việc nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại làm thúc đẩy nhu cầu đối với nhiên liệu hoá thạch.
Về phía nguồn cung, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) đã đưa ra thỏa thuận tăng sản lượng 500.000 thùng/ngày từ tháng 1/2021 - thấp hơn nhiều so với thỏa thuận ban đầu vào tháng 4/2020 là tăng sản lượng thêm 2 triệu thùng/ngày. OPEC+ sẽ họp vào ngày 4/1/2021 để phân tích thị trường phản ứng với quyết định này như thế nào.
Kịch bản giá dầu ổn định hoặc tăng trong giai đoạn cuối năm 2020 và đầu năm 2021 được kỳ vọng giúp các doanh nghiệp dầu khí kinh doanh khởi sắc.
Nguồn tin: Đấu thầu