Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tìm kiếm, thăm dò dầu khí vẫn trập trùng khó khăn

 Mặc dù sản lượng khai thác dầu khí năm 2020 vượt so với kế hoạch năm, nhưng thách thức trong lĩnh vực tìm kiếm và thăm dò vẫn không vơi.

Cơ chế chính sách liên quan đến sản xuất - kinh doanh, đầu tư trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí
còn nhiều bất cập, chậm được sửa đổi, tháo gỡ để phù hợp với thực tế phát triển của ngành dầu khí.

Thắng lợi

Theo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí năm 2020 được triển khai tích cực, có phát hiện dầu khí mới quan trọng, hoàn thành trước kế hoạch gia tăng trữ lượng dầu khí và khai thác dầu.

Cụ thể, có 2 phát hiện dầu khí mới là Kèn Bầu và Sói Vàng, mở ra cơ hội thu hút đầu tư trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí, gia tăng sản lượng khai thác trong thời gian tới. Kế hoạch cả năm gia tăng trữ lượng dầu khí được hoàn thành trước 6 tháng, với mức 15 triệu tấn quy dầu (kế hoạch năm là 10-15 triệu tấn quy dầu).

Tổng sản lượng khai thác dầu khí năm 2020 đạt 20,64 triệu tấn quy dầu, vượt 275.000 tấn quy dầu, tương đương 1,4% kế hoạch năm. Riêng khai thác dầu thô đạt 11,47 triệu tấn, vượt 853.000 tấn, tương đương 8% so với kế hoạch năm. Đóng góp cho kết quả này từ khai thác dầu trong nước là 9,65 triệu tấn (vượt 821.000 tấn) và từ khai thác dầu nước ngoài là 1,82 triệu tấn (vượt 32.000 tấn).

Tại Liên doanh dầu khí Việt - Nga “Vietsovpetro” (VSP), hoạt động khai thác dầu hoàn thành kế hoạch năm trước 1 tháng và đạt 3,417 triệu tấn, vượt 9,3% kế hoạch. Sản lượng khí đưa vào bờ đạt 1,245 tỷ m3, vượt 31% kế hoạch. Với kết quả này, VSP có lợi nhuận trước thuế 11.600 tỷ đồng, vượt 22% kế hoạch năm, dù doanh thu chỉ bằng 81% do giá dầu giảm mạnh. Phần nộp ngân sách cho Nhà nước đạt 17.500 tỷ đồng, tăng 2% so với kế hoạch.

Trong khi đó, Tổng công ty Thăm dò và Khai thác dầu khí Việt Nam (PVEP) gặp khó khăn hơn, chỉ đạt tổng doanh thu bằng 65% kế hoạch, do giá dầu bình quân chỉ đạt 43,5 USD/thùng, trong khi giá kế hoạch là 60 USD/thùng. Lợi nhuận trước thuế của PVEP chỉ đạt 87 tỷ đồng, bằng 1% kế hoạch và nộp ngân sách nhà nước dù là 5.830 tỷ đồng, nhưng chỉ bằng 69% kế hoạch.

Tại Liên doanh Rusvietpetro (RVP) ở Nga, sản lượng khai thác dầu phía Việt Nam đạt 1,386 triệu tấn, chỉ bằng 94% kế hoạch năm được Đại hội Thành viên RVP phê duyệt. Tính chung, RVP phải giảm sản lượng khai thác 175.000 tấn so với kế hoạch năm do phải thực hiện cam kết trong thỏa thuận cắt giảm sản lượng giữa Nga và các nước thành viên OPEC nhằm bình ổn giá dầu trên thế giới.

Dẫu vậy, hoạt động năm 2020 vẫn mang lại cho phía Việt Nam trong Liên doanh RVP doanh thu 287 triệu USD và lợi nhuận sau thuế là 37,1 triệu USD, cổ tức chia về PVN đạt 26,16 triệu USD. Tính tới hết năm 2020, phần tiền đã chuyển về Việt Nam là 1,124 tỷ USD. Con số này cao hơn 591,48 triệu USD so với tổng số tiền PVN đã chuyển sang Liên bang Nga để đầu tư vào dự án là 533,2 triệu USD.

Núi thách thức

Theo Tổng giám đốc PVN, ông Lê Mạnh Hùng, cơ chế chính sách liên quan đến sản xuất - kinh doanh, đầu tư trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí còn nhiều bất cập, chậm được sửa đổi, tháo gỡ để phù hợp với thực tế phát triển của ngành dầu khí.

Cụ thể, các cơ chế chính sách tạo điều kiện cho PVN phát triển ổn định, bền vững để thực hiện các nhiệm vụ chiến lược đã được Bộ Chính trị định hướng tại Nghị quyết 41-NQ/TW ngày 23/7/2015, Quyết định 1749/QĐ- TTg ngày 14/10/2015 về Chiến lược phát triển Tập đoàn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 vẫn chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Bên cạnh đó, từ năm 2015 đến nay, PVN hoạt động trong điều kiện chưa có Quy chế tài chính được cấp thẩm quyền phê duyệt. Năm 2020, Tập đoàn phải thực hiện một số nhiệm vụ Nhà nước giao, trong khi chưa được phê duyệt/thông qua cơ chế xử lý nguồn vốn (bù thuế đối với Nghi Sơn, nghĩa vụ nước chủ nhà đối với các hợp đồng dầu khí…) đã làm suy giảm dòng tiền, nguồn lực của Tập đoàn và có thể tạo ra các rủi ro pháp lý đối với cán bộ liên quan khi thực thi nhiệm vụ.

Cũng có thực tế, thủ tục giải quyết các vấn đề mất nhiều thời gian do trình tự phải trình, thông qua/đóng góp ý kiến của nhiều cơ quan có thẩm quyền trước khi cơ quan được giao chủ trì quyết định. Việc xử lý tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của Tập đoàn đã báo cáo kiến nghị từ các cơ quan có thẩm quyền còn chậm, kéo dài.

Với riêng mảng thăm dò, khai thác, đánh giá của PVN cho hay, việc giá dầu giảm sâu trong năm 2020 làm các nhà thầu nước ngoài xem xét lại kế hoạch và quyết định giảm khối lượng giếng khoan thăm dò thẩm lượng. Số giếng khoan thăm dò thẩm lượng năm 2020 thấp hơn giai đoạn 2011-2015.

PVN nhận định, hệ số gia tăng trữ lượng bù trừ vào sản lượng khai thác năm 2020 tuy đã cải thiện (con số thông báo là 15,02 triệu tấn), nhưng chưa đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững. Đây là năm thứ 5 liên tiếp kể từ năm 2016 tới nay, hệ số này ở mức báo động, không đảm bảo phát triển bền vững.

Cùng với đó, sản lượng các mỏ cũng được cho là suy giảm với tốc độ nhanh hơn so với dự kiến. Các dự báo trước đây chưa lường hết những rủi ro cấu tạo địa chất phức tạp khiến sản lượng thực tế thấp hơn nhiều so với kế hoạch phát triển mỏ. Chẳng hạn, mỏ Đại Hùng đạt 177.000 tấn so với kế hoạch năm là 219.000 tấn; lô PM3-CA&46 CN-TML đạt 461.000 tấn so với kế hoạch năm là 524.000 tấn…

Cũng bởi Luật Dầu khí và các điều khoản Hợp đồng Dầu khí hiện hành (theo Nghị định 33/2013/NĐ-CP) đang kém hấp dẫn so với các nước trong khu vực, không phù hợp với tiềm năng trữ lượng dầu khí hiện tại, không thu hút được nhà đầu tư nước ngoài, nên năm 2020 đã không ký được hợp đồng dầu khí mới.

Nguồn tin: Đầu tư

ĐỌC THÊM