Định nghĩa xăng (gasoline- tiếng Anh; essence – tiếng Pháp)
Xăng, hay còn gọi là ét-xăng (phiên âm từ tiếng Pháp: essence), là một loại dung dịch nhẹ chứa hydrocacbon, dễ bay hơi, dễ bốc cháy, chưng cất từ dầu mỏ. Xăng được sử dụng như một loại nhiên liệu dùng để làm chất đốt cho các loại động cơ xăng.
Xăng là hỗn hợp của các hydrocarbon thể lỏng linh động và dễ cháy, có nguồn gốc từ dầu mỏ và được sử dụng làm nhiên liệu cho các động cơ đốt trong. Xăng cũng được sử dụng làm dung môi cho dầu và chất béo. Bắt nguồn từ một sản phẩm phụ của ngành công nghiệp dầu mỏ (dầu hỏa là sản phẩm chính), xăng trở thành nhiên liệu được ưa dùng cho xe cộ bởi chúng sản sinh nhiều năng lượng trong buồng đốt và khả năng hòa trộn tốt với không khí trong bộ chế hòa khí.
Xăng là một hỗn hợp phức tạp của hàng trăm hydrocarbon khác nhau, hầu hết là bão hòa và chứa từ 4 đến 12 nguyên tử carbon trong một phân tử. Xăng sử dụng trong xe cộ có nhiệt độ sôi chủ yếu ở dải nhiệt giữa 30 đến 200 độ C (85 – 390 độ F), hỗn hợp được điều chỉnh để phù hợp với điều kiện sử dụng theo độ cao và theo mùa. Xăng máy bay có tỉ lệ của cả phần ít bay hơi và dễ bay hơi nhỏ hơn so với xăng sử dụng cho xe cộ.
Phương pháp sản xuất xăng
Xăng đầu tiên được sản xuất bằng cách chưng cất, đơn giản là tách tạp chất, những vật chất có giá trị hơn từ dầu thô. Quá trình xử lý sau này, nhằm mục đích tăng hiệu suất sản xuất xăng từ dầu mỏ, người ta chia nhỏ những phân tử bằng quá trình được biết đến với tên gọi quá trình phân tách (cracking). Phân tách nhiệt (thermal cracking), sử dụng nhiệt và áp suất cao, được giới thiệu vào năm 1913 và được thay thế vào năm 1937 bởi phương pháp phân tách sử dụng xúc tác (catalytic cracking) để làm tăng hiệu suất của các phản ứng hóa học và sản xuất được nhiều xăng hơn. Các phương pháp khác sử dụng để tăng chất lượng xăng và tăng nguồn cung gồm có phương pháp trùng hợp, chuyển từ thể khí thành các olefin ví dụ như từ propylene và butylene thành các phân tử lớn hơn trong quãng xăng; ankyl hóa, một quá trình liên kết một olefin với một paraffin ví dụ như isobutane; phương pháp đồng phân hóa, biến đổi từ hydro các bon mạch thẳng sang hydro các bon phân nhánh; và tái cấu trúc, sử dụng nhiệt hoặc chất xúc tác để sắp xếp lại cấu trúc phân tử.
Các chỉ tiêu chất lượng của xăng
Tính chống kích nổ
Trị số octan của xăng thể hiện tính chống kích nổ của xăng: Xăng có trị số ốctan càng cao thì tính chống kích nổ càng cao.
Nếu sử dụng xăng có trị số ốctan thấp cho xe có tỉ số nén cao sẽ gây hiện tượng cháy kích nổ.
Nếu sử dụng xăng có trị số ốctan cao cho xe có tỉ số nén thấp thì xăng sẽ khó cháy hoặc cháy không hết tạo cặn than làm bẩn máy, hao xăng.
Tính bay hơi thích hợp
Xăng muốn cháy được trong máy thì phải bay hơi. Xăng bay hơi thích hợp thì sẽ cháy tốt trong máy. Nếu xăng bay hơi không thích hợp, máy sẽ không phát huy được hết công suất, hao xăng nhiều và gặp phải những sự cố kỹ thuật sau: Hiện tượng nghẹt xăng hay nút hơi, hiện tượng ngộp xăng (sặc xăng)
Tính ổn định hóa học cao
Khả năng giữ vững bản chất hóa học chống lại ảnh hưởng của môi trường xung quanh gọi là tính ổn định hóa học của xăng. Tính ổn định hóa học của xăng bị ảnh hưởng nhiều bởi các yếu tố: nhiệt độ, diện tiếp xúc với không khí, độ sạch và khô của vật chứa, mức độ tồn chứa và thời gian tồn chứa. Xăng có hàm lượng keo nhựa càng cao thì có tính ổn định hóa học càng thấp.
Lịch sử phát triển của xăng
Việc thêm chì tetraethy vào xăng để kìm hãm sự cháy kích nổ bắt đầu vào năm 1930 và bị ngừng lại vào những năm 1980 bởi tác hại từ độc tố trong hỗn hợp chì thải ra ngoài môi trường. Những chất phụ gia khác thường được thêm vào xăng bao gồm detergents để giảm sự hình thành cặn, chất chống đông để giảm khả năng chết máy do đóng băng trong chế hòa khí, và chất chống oxi hóa để giảm khả năng hình thành gôm xăng.
Vào cuối thế kỉ thứ 20, việc tăng giá dầu thô (dẫn đến tăng giá xăng) ở rất nhiều quốc gia dẫn tới việc gia tăng sử dụng xăng sinh học E10, là hỗn hợp từ 90% xăng không chì và 10% ethanol (ethyl alcohol). Loại xăng này cháy tốt trong động cơ xăng đơn thuần và là giải pháp thay thế lý tưởng cho nhiên liệu truyền thống bởi có thể sản xuất ethanol từ ngô, sắn, ngũ cốc, khoai tây và một số loại thực vật khác.
Các loại xăng ở Việt Nam
XĂNG RON 95 (M95)
Có mùi đặc trưng, màu vàng, được sử dụng cho phương tiện có tỉ số nén trên 9,5/1 như các xe hơi đời mới, xe đua,... có trị số octan là 95.
XĂNG RON 92 (M92)
Có mùi đặc trưng, màu xanh lá, được sử dụng cho phương tiện có tỉ số nén 9,5/1, có trị số octan là 92.
XĂNG RON 83 (M83)
Có mùi đặc trưng, màu vàng, được sử dụng cho phương tiện có tỉ số nén 8/1, có trị số octan là 83. Hịện xăng này không được sử dụng trên thị trường Việt Nam.
Nguồn: Britannica, Wikipedia