Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tiến độ Dung Quất: Nếu chậm đưa vào sử dụng một ngày sẽ thiệt hại 8,5 tỷ đồng

 
Đấu điện cho vòi xuất sản phẩm.
Trong khi nhiều dự án lớn, nhỏ trên cả nước vẫn dậm chân tại chỗ thì ở Quảng Ngãi, việc thi công xây dựng nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam, lại đúng tiến độ đến từng ngày.

Ông Đinh Văn Ngọc – Phó ban dự án NMLDDQ khẳng định: “Chúng tôi tự tin ngày 25-2-2009 sẽ cho ra sản phẩm thương mại đầu tiên. Tết này tất cả mọi người chắc chắn sẽ vẫn làm việc để bảo đảm đúng tiến độ đã được Quốc hội phê duyệt”.
 
Đánh giá về tầm quan trọng của việc bảo đảm đúng tiến độ cho công trình, ông Nguyễn Hoài Giang, Phó TGĐ kỹ thuật, Phó trưởng Ban chạy thử Nhà máy lọc dầu Dung Quất (NMLDDQ) cho biết: “Nếu nhà máy chỉ chậm đưa vào sử dụng một ngày, chúng ta sẽ bị thiệt hại 500 nghìn USD”, tương đương 8,5 tỷ đồng theo tỷ giá vào thời điểm này.
 
Dung Quất: Tầm vóc, tầm nhìn
 
Tháng 7-1997, Thủ tướng Chính phủ ký quyết xây dựng nhà máy công suất 148 nghìn thùng dầu mỗi ngày, với số vốn 1,5 tỷ USD. Nhưng đến năm 1989, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á khiến Chính phủ phải điều chỉnh chủ trương xây dựng, cho liên doanh với Nga, đầu tư 1,32 tỷ USD, trong đó mỗi bên góp theo tỷ lệ 50/50. Tuy nhiên sau một thời gian, cơ chế liên doanh này tỏ ra lại không hiệu quả, công nghệ sản xuất xăng A83 đã lạc hậu nên đến năm 2003 liên doanh “tan vỡ”. Việt Nam một lần nữa quyết định tự đầu tư, thay đổi thiết kế tổng thể, để sản xuất xăng dầu chất lượng cao. Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam được giao ký hợp tác với nhà thầu Technip của Pháp, xây dựng nhà máy với tổng vốn đầu tư là hơn 2,5 tỷ USD. Công suất lọc 6,5 triệu tấn dầu thô, cho ra 6,3 triệu tấn sản phẩm/năm.
 

Dự kiến trong đầu năm 2009 nhà máy NMLDDQ sẽ đạt 60-68% công suất tương đương với khoảng 4 triệu tấn/năm, và đến khoảng tháng 8-2009 có thể đạt 100% công suất cho ra 6,3 triệu tấn sản phẩm.

Nhà máy được thiết kế với công nghệ linh hoạt, tùy theo yêu cầu của đất nước cần nhiều diesel sẽ sản xuất nhiều diesel, cần nhiều xăng sẽ sản xuất nhiều xăng.

Tháng 10-2009 NMLDDQ sẽ hoàn thiện toàn bộ về chất lượng.
Khi đó sản phẩm sẽ bao gồm:

Nguyên liệu để làm nhựa là 320 – 460 tấn/ngày.
Khí gas là 900 – 1000 tấn/ngày.
Xăng A 90 là 3000 – 5000 tấn/ngày.
Xăng A 92 và A 95 là 2600 – 2700 tấn/ngày.
Dầu hỏa là 650 – 1200 tấn/ngày.
Dầu diesel là 7000 – 9000 tấn/ngày.
Dầu FO (chạy tàu thủy) là 1000 – 1100 tấn/ngày.

Ông Nguyễn Hoài Giang
NMLDDQ được xây dựng trên tổng diện tích 800 ha, tương đương 800 sân bóng đá, trong đó hơn 300 ha mặt đất và hơn 400 ha mặt nước biển; Các nhà thầu đã sử dụng một khối lượng vật tư, thiết bị là hơn 100 nghìn tấn, tương đương 10 nghìn xe buýt cỡ lớn; trên 5 triệu mét dây cáp điện, đủ để căng từ Hà Nội đến TP Hồ Chí Minh và ngược lại; gần 17 nghìn tấn thép các loại, đủ để xây dựng 2 tháp Eiffel ở Paris. Nhà máy có 1287 thiết bị quay được các kỹ sư ở đây coi là những “trái tim”. Vào thời gian thi công cao điểm, trên toàn công trường có khoảng 11 nghìn kỹ sư, chuyên gia và công nhân làm việc. Vì vậy việc quản lý hàng nghìn con người và sử dụng vật tư, trang thiết bị đòi hỏi khả năng phối hợp và quản lý rất cao và chuyên nghiệp.  

 Năm 2005, Việt Nam phải nhập 12,7 triệu tấn xăng dầu. Năm 2006, con số này là 15,7 triệu tấn. Năm 2010, nhu cầu xăng dầu của Việt Nam ước khoảng 16,5 - 17 triệu tấn. Như vậy, công suất thiết kế NMLDDQ sẽ đáp ứng được hơn 30% nhu cầu cả nước. NMLDDQ là công trình trọng điểm quốc gia, khi đi vào hoạt động sẽ không chỉ góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, mà còn đem lại nghĩa lớn về kinh tế, xã hội và quốc phòng. Sau khi hoàn thành, NMLDDQ sẽ như một cục nam châm khổng lồ, thu hút nhiều nhà đầu tư “vệ tinh” đến miền trung, góp phần vực dậy mảnh đất anh hùng nhưng vốn còn nghèo khó này.
 
Tiến độ - Chất lượng, bài toán song hành
 
NMLDDQ được đánh giá là công trình đang xây dựng có quy mô lớn nhất Việt Nam hiện nay, nhưng phải được hoàn thành trong 44 tháng theo phê duyệt của Quốc hội. Chính vì vậy sức sép về tiến độ là rất lớn. Trên đại công trường này khẩu hiệu lớn nhất là “Vinh quang giành cho người về đúng tiến độ” - ông Đinh Văn Ngọc cho biết.
 
Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng thứ 12 trong 44 tháng, nhiều hạng mục của dự án có nguy cơ chậm tiến độ bởi nhiều lý do. Ông Đặng Hồng Sơn – Phó phòng hành chính Ban quản lý dự án NMLDDQ nói: “Nhà máy phải chuyển đổi qua nhiều qua nhiều cơ chế đầu tư, từ tự đầu tư sang liên doanh, rồi lại sang tự đầu tư. Vốn đầu tư lớn, công nghệ hiện đại nhưng chưa bao giờ làm. Trong khi, các nhà thầu Việt Nam không đáp ứng được về con người, kỹ năng quản lý, cũng như thiết bị thi công”.
 
Mặt khác, việc thi công xây dựng phần lớn ở ngoài trời, dưới biển nên phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết. Mỗi khi biển động, hay bão tố, tiến độ thi công lại bị đình trệ, trong khi vùng đất nắng gió này thường có thời tiết không thuận lợi, một năm phải “gánh” đến sáu, bảy cơn bão, mùa hè nắng như đổ lửa. Cấu trúc địa chất phức tạp nên việc thi công các hạng mục ngoài biển như cầu xuất sản phẩm và đê chắn sóng gặp rất khó khăn. Nền đất dưới biển chỗ yếu, chỗ lại có đá “mồ côi” [một loại đá tảng lớn và cứng nằm dưới đáy biển], khiến mỗi chiếc cọc đóng xuống phải lập riêng một hồ sơ thiết kế.
 
Chưa hết, ông Nguyễn Văn Hội – Phó Tổng giám đốc Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn kể, mỗi sáng phía chủ đầu tư đều nhận được hàng đống văn bản đề nghị “đánh mình”. Hôm thì chuyện một cụ già cản trở việc thi công nên nhà thầu nước ngoài đòi phạt chủ đầu tư 500 nghìn USD. Ngày khác họ lại đòi phạt 2 triệu USD vì không bảo đảm đường sá cho họ vận chuyển thiết bị...Nhưng rồi bằng quyết tâm, trí tuệ và thiện chí, chủ đầu tư và các nhà thầu đã cùng nhau hợp tác để vượt qua mọi khó khăn, đưa công trình đi đúng tiến độ.
 
Ngày 17-5-2006, Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã phát động cuộc “Thi đua liên kết” vào đúng, thời điểm căng thẳng nhất khi vì nhiều dự án có nguy cơ chậm tiến độ. Mới đầu chỉ có 5 nhà thầu trong nước tham gia, nhưng một năm sau, con số này đã là 20, và sau cùng, toàn bộ các nhà thầu trong và ngoài nước đều tham gia.
 
Sau khi ký cam kết thi đua, các nhà thầu đã huy động lực lượng, đẩy nhanh tiến độ ở từng phần việc của mình. Trên công trường xuất hiện hàng loạt sáng kiến, cải tiến kỹ thuật… nhằm rút ngắn thời gian thi công.
 
Lilama 69-1, một nhà thầu lớn của dự án đã tự đặt cam kết thi đua cho từng tuần, từng tháng và đều có thưởng cho những tập thể, cá nhân tích cực để bảo đảm tiến độ. Ông Ngô Quốc Thịnh  - Phó Giám đốc Lilama 69-1 cho biết sau khi ký cam kết thi đua, nhiều đơn vị đã làm việc ngày đêm, bất kể nắng mưa, năng suất lao động được nâng lên rõ rệt. Việc xây lắp đường ống đã đạt 7 mét một ngày, thay vì 5 mét như trước đây.
 
Công trình đồ sộ như NMLDDQ có tới hàng trăm, hàng nghìn hạng mục lớn nhỏ, trong khi chỉ riêng việc nghiệm thu 1 hạng mục có thể sẽ phải mất tới 5 ngày. Bản quản lý dự án đã đưa ra sáng kiến, yêu cầu cả hai bên thi công và giám sát cùng nghiệm thu một lúc. Nhờ đó việc nghiệm thu toàn bộ hạng mục rút xuống chỉ còn 2 ngày.
 
Năm 2004, việc thi công đê chắn sóng bị đình trệ khi phát hiện nền đất yếu dưới thân đê. Ban quản lý dự án đã quyết định đề xuất được được chấp nhận thay nhà thầu của Hà Lan để có đủ năng lực và thiết bị hoàn tất công việc đầy khó khăn này. Kết quả công trình đê chắn sóng đã được hoàn thành vào tháng 5-2008, sớm hơn 5 tháng so với tiến độ đề ra. Hàng loạt các hạng mục có nguy cơ chậm tiến độ cũng đã được xử lý quyết đoán và chính xác, góp phần đưa toàn độ công trình về đúng thời gian đã định.
 
Đối với các nhà thầu nước ngoài, thuật ngữ “thi đua” là hoàn toàn xa lạ. Nhưng khi chứng kiến phong trào thi đua đã có những tác động tích cực đến năng suất lao động, ý thức trách nhiệm và tinh thần của mỗi người thợ, họ đã tự nguyện hưởng ứng và tích cực tham gia. Hàng trăm tập thể và cá nhân của Technip cũng đã được tôn vinh, khen thưởng.
 

Ông Bruno Le Roy.

“Thi đua là khái niệm rất mới đối với tôi. Đây là một đặc thù của Việt Nam. Tôi khó có thể tính được phong trào này rút ngắn được tiến độ bao nhiêu ngày, nhưng tôi thấy cách làm này đã có đóng góp rất lớn, kích thích hàng trăm lao động Việt Nam làm việc tại Technip” - Ông Bruno Le Roy, Giám đốc công trường thuộc Tổ hợp nhà thầu Technip.

Theo Ban quản lý dự án NMLDDQ, năm 2006 đã có 31 tập thể và 100 cá nhân xuất sắc được khen thưởng trong phong trào thi đua liên kết. Năm 2007 con số này tăng lên 48 tập thể và 233 cá nhân. Lễ tổng kết phong trào thi đua này đã có 120 tập thể và 380 cá nhân xuất sắc được khen thưởng.

Vào thời điểm này công việc vận hành thử nhà máy vẫn đang được tiến hành khẩn trương. Ông Bruno Le Roy cho biết, trong quá trình chạy thử chưa có sự cố nào quá lớn xảy ra, các sự cố nhỏ đều đã được xử lý hiệu quả. Ông tỏ ra hài lòng với những gì đã đạt được và khẳng định: “Quá trình hợp tác giữa nhà thầu và chủ đầu tư rất tốt nên sẽ hoàn thành đúng tiến độ vào cuối tháng 2-2009”.
 

Ông Đinh Văn Ngọc – Phó ban dự án NMLDDQ cho biết:

NMLDDQ được thiết kế linh hoạt để lọc dầu Bạch Hổ, nhưng khi mỏ này cạn sẽ chuyển sang lọc dầu mỏ Cá Ngừ Vàng, Rạng Đông, Sư Tử Đen, Sư Tử Vàng cho trung hạn và về dài hạn sẽ nhập khẩu để bảo đảm cho nhà máy.
 
Chính vì vậy, Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn đang đề xuất phương án 1 là nâng cấp nhà máy để sản xuất dầu hỗn hợp (Pha dầu ngọt với dầu chua, có nguồn từ Trung Đông). Nhà máy dự kiến được công suất từ 6,5 triệu tấn/năm lên 8 triệu tấn/năm. Hiện phía Việt Nam đã làm việc với các tập đoàn lớn của Mỹ, Ấn Độ và Nhật bản... về vấn đề này.

Phương án 2 là xây dựng nhà máy thứ 2 cạnh nhà máy 1 để tận dụng nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý, tận dụng cơ sở hạ tầng, cảng nước sâu. Những điều này chính là lợi nhuận. Hiện đã có quy hoạch cho xây 2 nhà máy.

 

(Nhân dân)

ĐỌC THÊM