VCCI đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động của việc bãi bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu và có văn bản báo cáo Quốc hội vào kỳ họp tới.
VCCI đề xuất bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt
Mới đây, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính góp ý dự thảo Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Nội dung góp của VCCI trên cơ sở tham khảo ý kiến của các doanh nghiệp và chuyên gia.
Theo VCCI, cơ quan này đồng tình với tính cần thiết và cấp thiết của việc giảm các nghĩa vụ thuế của mặt hàng xăng dầu nhằm đáp ứng mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp và phục hồi nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay.
Về lựa chọn sắc thuế để cắt giảm, VCCI cho rằng, việc cắt giảm thuế bảo vệ môi trường có ưu điểm là có thể thực hiện được ngay trong tháng 7-2022, do đây là vấn đề thuộc thẩm quyền của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
Nếu lựa chọn cắt giảm thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc thuế giá trị gia tăng thì phải đợi kỳ họp Quốc hội gần nhất vào cuối năm 2022, như vậy sẽ ảnh hưởng lớn đến mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô hiện nay. Tuy nhiên, về lâu dài, đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động của việc bãi bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và có văn bản báo cáo Quốc hội vào kỳ họp tới.
VCCI đề xuất bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt.
Đối với phương án cắt giảm thuế nhập khẩu đối với xăng dầu, dự thảo tờ trình chưa nêu rõ lý do vì sao không lựa chọn phương án này. Vấn đề này thuộc thẩm quyền của Chính phủ và hoàn toàn có thể làm ngay trong tháng 7-2022. Tờ trình có đề cập đến các cam kết của Việt Nam trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA), tuy nhiên, theo rà soát của VCCI, đây là các cam kết mức thuế nhập khẩu tối đa mà Việt Nam được phép áp dụng.
Theo đó, các FTA này vẫn cho phép Việt Nam hạ thuế nhập khẩu thấp hơn và tăng trở lại mức cam kết khi cần thiết. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc kỹ hơn phương án cắt giảm thuế nhập khẩu hoặc thuyết minh chi tiết hơn lý do không lựa chọn phương án này.
Bộ Tài Chính nói gì?
Liên quan đến vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết thời gian tới sẽ không thực hiện điều chỉnh giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng.
Theo Bộ Tài chính, quy định của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt thì chỉ thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, không thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dầu các loại. Mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng là 10%, xăng E5 là 8% và xăng E10 là 7%. Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt không quy định giảm thuế đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Bộ Tài chính cho biết thuế tiêu thụ đặc biệt là sắc thuế gián thu, đánh vào một số hàng hóa, dịch vụ Nhà nước không khuyến khích tiêu dùng vì có hại cho sức khoẻ như thuốc lá, rượu, bia..., ảnh hưởng đến môi trường và cần tiêu dùng tiết kiệm xăng gốc hóa thạch hoặc hàng hóa, dịch vụ cao cấp cần điều tiết thu nhập ôtô, máy bay, du thuyền, chơi golf...
Xăng là nhiên liệu gốc hóa thạch, không tái tạo, cần phải sử dụng tiết kiệm nên theo thông lệ quốc tế luôn thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Bộ Tài chính cũng dẫn chứng kinh nghiệm quốc tế, hầu hết các nước trên thế giới đều thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng.
Bộ Tài chính lấy ví dụ: Pháp thu 0,6629 EUR/lít đối với xăng E10 và 0,6829 EUR/lít đối với xăng khoáng; Đức là 0,6545 EUR/lít đối với xăng có hàm lượng sunfua dưới 10mg/kg, 0,6698 EUR/lít đối với xăng có hàm lượng sunfua trên 10mg/kg; Hà Lan thu 0,81314 EUR/lít; Italy thu 0,7284 EUR/lít; Anh 0,5795 Bảng/lít; Hàn Quốc thu 311 won/lít thuế tuyệt đối và thuế tỷ lệ 15%; Trung Quốc thu 1,52 nhân dân tệ/lít; Campuchia thuế suất 25%; Thái Lan thu 6,50 baht/lít đối với xăng khoáng, 5,85 baht/lít đối với xăng 95 E10, 5,2 bạt/lít xăng 95 E20, 0,975 baht/lít đối với xăng 95 E85, 3,2 baht/lít đối với dầu diesel; Singapore thu 0,41 đôla Singapore/lít; Lào thuế suất 39%...
Theo Bộ Tài chính, mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng của Việt Nam hiện ở mức trung bình thấp so với các nước. Theo số liệu thống kê, số thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng ước thực hiện 5 tháng đầu năm 2022 là khoảng 6.503 tỷ đồng.
Nếu giá dầu thế giới 7 tháng cuối năm 2022 bình quân khoảng 110 USD/thùng thì số thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng 7 tháng cuối năm 2022 ước khoảng 9.614 tỷ đồng. Khi đó, tổng số thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng cả năm 2022 dự kiến khoảng 16.117 tỷ đồng.
Nếu giá dầu thế giới 7 tháng cuối năm 2022 bình quân khoảng 120 USD/thùng thì số thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng 7 tháng cuối năm 2022 ước khoảng 10.488 tỷ đồng (bình quân 1.498 tỷ đồng/tháng). Khi đó, tổng số thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng cả năm 2022 dự kiến khoảng 16.991 tỷ đồng.
Bộ Tài chính cho biết thêm tại Việt Nam, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đã quy định xăng thuộc đối tượng chịu thuế từ năm 1999. Quy định này là phù hợp với mục tiêu thu thuế tiêu thụ đặc biệt và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Theo số liệu thống kê năm 2019, giai đoạn trước dịch COVID-19 thì sản lượng tiêu thụ trong nước của mặt hàng xăng chiếm tỷ trọng khoảng 37% trong tổng sản lượng xăng, dầu. Mặt khác, hiện nay chỉ có mặt hàng xăng là chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Do đó, nếu thực hiện giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng thì chưa thực sự hiệu quả, chưa đạt được mục tiêu của việc giảm thuế là hỗ trợ giảm chi phí đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh, kiềm chế lạm phát vì dầu mới là mặt hàng chủ yếu phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, trường hợp điều chỉnh mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng thì phải thực hiện điều chỉnh mức thuế tiêu thụ đặc biệt tương ứng đối với xăng E5 và xăng E10 cho phù hợp.
Bộ Tài chính khẳng định về thẩm quyền, việc thực hiện điều chỉnh đối với thuế tiêu thụ đặc biệt thuộc thẩm quyền của Quốc hội nên phải trình Quốc hội xem xét, quyết định và thường không thể áp dụng ngay, trong khi giá xăng dầu có những thời điểm biến động nhanh, thời gian ngắn, nên sẽ có độ trễ nhất định. Do đó, Bộ Tài chính đề nghị trước mắt không thực hiện điều chỉnh giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng.
Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan tiếp tục theo dõi diễn biến giá xăng dầu trên thế giới và sẽ trình Chính phủ để trình Quốc hội phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng cho phù hợp dưới hình thức Nghị quyết của Quốc hội trong trường hợp giá xăng dầu tiếp tục tăng, biến động khó lường, ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu mà cần tiếp tục giảm thuế đối với mặt hàng xăng để góp phần kiềm chế lạm phát.
Nên chấp nhận hụt thu 2-3 tháng
PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng với sức "nóng" của giá xăng dầu hiện nay, việc giảm tiếp thuế bảo vệ môi trường như đề xuất nêu trên chưa thể kìm đà tăng của mặt hàng này. "Giá xăng dầu trên thị trường thế giới liên tục tăng cao, "van" quỹ bình ổn không thể giúp giá trong nước hạ nhiệt được, còn "van" thuế, chúng ta phải tính toán để giảm thêm các loại thuế khác trong cơ cấu giá xăng dầu, không phải lần nào cũng chỉ tính đến thuế bảo vệ môi trường" - ông Ngô Trí Long nói và nhấn mạnh nếu chỉ giảm thêm 1.000 đồng thuế bảo vệ môi trường thì không có nhiều tác dụng.
Hiện nay, ngoài thuế bảo vệ môi trường, trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu, mỗi lít bán ra đang có 3 loại thuế khác, gồm: GTGT (10%), nhập khẩu (10%), tiêu thụ đặc biệt (10%). Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đề nghị cần giảm thêm các loại thuế như GTGT, nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt thì mới góp phần hạ giá xăng dầu một cách đáng kể.
Theo chuyên gia này, người dân vẫn chưa "tâm phục khẩu phục" việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt lên xăng dầu, bởi đây là mặt hàng thiết yếu, không phải hàng hóa xa xỉ. "Mục đích của thuế tiêu thụ đặc biệt là đánh vào hàng hóa xa xỉ như ôtô, máy bay, du thuyền... hoặc sản phẩm không khuyến khích tiêu dùng như rượu, bia, thuốc lá... Trong khi xăng là mặt hàng thiết yếu, người giàu lẫn người nghèo đều phải dùng, sao lại có mức thuế suất đó?" - ông Ngô Trí Long đặt vấn đề và cho rằng đây là thời điểm phải đánh đổi, chấp nhận hụt thu ngân sách để kéo giảm giá xăng dầu trong nước, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng (Đại học Kinh tế Quốc dân) đề nghị cơ quan có thẩm quyền cần mạnh tay giảm thuế xăng dầu. Theo đó, cần tạm ngưng thu tất cả loại thuế trong cơ cấu giá xăng dầu, chấp nhận hụt thu ngân sách từ 2-3 tháng để giảm giá nhiên liệu. "Dư địa giảm thuế chúng ta vẫn còn nên cần giảm mạnh các loại thuế, sau đó mới tính đến các phương án khác. Không nên giảm "nhỏ giọt" như thời gian vừa qua hoặc đề xuất mới đây của Bộ Tài chính" - PGS.TS Nguyễn Thường Lạng đề xuất.
Về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng cho rằng trong bối cảnh cấp bách hiện nay, chưa phải là lúc bàn đến tính hợp lý hay không hợp lý của sắc thuế này mà trước mắt cần tạm ngừng thu. Ông Lạng lưu ý nếu Việt Nam tạm ngừng thu các loại thuế, sẽ kéo giảm giá xăng dầu xuống, có thể xảy ra tình trạng buôn lậu. Về lâu dài, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng cho rằng cần bảo đảm nguồn cung xăng dầu. Đây cũng là giải pháp dài hạn mà PGS.TS Ngô Trí Long đề cập bên cạnh "van" giảm thuế như ông nêu ở trên.
Nguồn tin: Kinh tế môi trường