|
Theo doanh nghiệp xăng dầu, với mức thuế mới thì doanh nghiệp mới bớt lỗ và hòa vốn. Ảnh: HTD |
Theo các doanh nghiệp, giá dầu thô chỉ là một trong những điều kiện xem xét chứ không phải yếu tố quyết định giá xăng dầu trong nước.
Phải đến ngày 10-2, quyết định giảm thuế suất thuế nhập khẩu với các mặt hàng xăng xuống còn 25% của Bộ Tài chính mới được áp dụng nhưng hiện dư luận đã bắt đầu quan tâm việc giá xăng trong nước có giảm theo hay không.
Doanh nghiệp mới chỉ bớt lỗ?
“Mặc dù đã giảm thuế nhưng đến thời điểm này phương án điều chỉnh giá xăng của Petrolimex là chưa thể có” - ông Vương Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc của Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), khẳng định với Pháp Luật TP.HCM vào hôm qua (6-2).
Giải thích điều này, ông Dũng cho rằng 20 ngày qua, giá xăng thành phẩm tăng khoảng gần tám USD/thùng trong khi tỷ giá lại tăng. Hiện riêng ở mặt hàng xăng thì các doanh nghiệp kinh doanh xăng đang lỗ khoảng 1.500 đồng/lít. Vì vậy, ngay từ ngày 24-1, nhà nước có điều chỉnh giảm thuế suất nhập khẩu xăng dầu từ 40% xuống còn 35% và mới đây nhất giảm thêm 10% mới chỉ là nhằm giúp doanh nghiệp bớt lỗ. Do đó, tại thời điểm này dù đã được điều chỉnh thuế nhưng Petrolimex cũng chưa thể điều giá xăng.
Đại diện của Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) cũng nói: “Kể cả số tiền 1.000 đồng trích trả nợ ngân sách tạm ứng thì chúng tôi đã lỗ 1.600 đồng/lít”. Hơn nữa, với mức giảm thuế thêm 15% cả hai đợt của nhà nước thì mới tương ứng khoảng 600 đồng/lít. Như vậy, nếu chưa phải trích tiền trả nợ ngân sách tạm ứng thì doanh nghiệp mới hòa vốn cho lô hàng sắp tới sẽ nhập, còn vẫn lỗ đối với hàng tồn kho.
Ông Dũng cho biết thêm, người tiêu dùng nên hiểu giá dầu thô khác và giá xăng thành phẩm khác. Có những thời điểm giá xăng thành phẩm lên xuống theo như diễn biến của giá dầu thô nhưng cũng có thời điểm ngược lại. Vì vậy, giá dầu thô chỉ là một trong các điều kiện để xem xét chứ không phải yếu tố quyết định giá thị trường trong nước.
Cần hỗ trợ mặt hàng dầu
Trong phát biểu của Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính với báo chí đã khẳng định việc giảm thuế xăng nhằm giúp doanh nghiệp giảm giá thành đầu vào, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh...
Tuy nhiên, một đầu mối nhập khẩu xăng dầu không đồng tình với ý kiến này. Theo đầu mối nhập khẩu này thì giá dầu mới là mặt hàng có ảnh hưởng lớn đến đầu vào của ngành vận tải cũng như các ngành sản xuất khác như thép, giấy, điện... Còn riêng mặt hàng xăng, chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân là cho xe máy và xe bốn bánh. Vì vậy, hiện nay mặt hàng dầu đang rất cần được nhà nước hỗ trợ giảm thuế để kích cầu sản xuất.
Ông Vương Thái Dũng cho biết với mức thuế 25% đối với dầu thì lợi nhuận thu được ở mặt hàng này rất là thấp. Vậy nên, chỉ khi nào nhà nước điều chỉnh hạ thuế nhập khẩu dầu thì doanh nghiệp mới xem xét để hạ giá thành dầu.
Bàn về mức lỗ lãi của mặt hàng dầu hiện nay, theo tính toán của một đầu mối nhập khẩu thì với mặt hàng dầu mới nhập khẩu về doanh nghiệp lãi khoảng 500 đến 700 đồng/lít, còn với hàng tồn kho thì không lãi.
Có thể nói, sau khi quyết định giảm thuế suất thuế nhập khẩu đối với xăng dầu thì dư luận vẫn đang rất quan tâm đến việc giá xăng trong nước có giảm theo. Trên đây, mới chỉ là ý kiến của một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước về vấn đề này chứ chưa phải là quyết định cuối cùng.
Kể từ ngày 10-2, quyết định giảm thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu sẽ được áp dụng. Như vậy, chi phí đầu vào một lít xăng được tính như sau: thuế nhập khẩu 25%; thuế tiêu thụ đặc biệt 10%; thuế VAT 10%; nợ vay ngân sách tạm ứng 1.000 đồng; phí xăng dầu 1.000 đồng; lãi suất ngân hàng, trượt giá ngoại tệ, hao hụt xăng dầu, chi phí cho doanh nghiệp, chi phí hoa hồng cho đại lý với mức tổng là 900 đồng.
Như vậy, theo các doanh nghiệp, với mức giá xăng thành phẩm hiện tại trên thị trường Singapore là 52 USD/thùng cộng với toàn bộ chi phí như trên thì giá một lít xăng A92 phải xấp xỉ 12.000 đồng.
(Pháp luật TPHCM)