Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Thuế môi trường với xăng sẽ tăng kịch khung từ 1/1/2019

Với 100% thành viên tham dự đồng ý, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chiều 20/9 đã thông qua nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường. Thời hạn có hiệu lực của Nghị quyết từ ngày 1/1/2019.

Đây là nội dung đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét từ phiên họp tháng 7/2018 nhưng chưa quyết định vì còn băn khoăn. 

(Nguồn: zing.vn)

Cụ thể, thuế môi trường với xăng sẽ tăng lên kịch khung 4.000 đồng, tăng 1.000 đồng/lít so với hiện nay. Dầu hoả sẽ chịu thuế môi trường 1.000 đồng/ lít từ đầu năm sau, tăng 700 đồng so với hiện nay. Dầu nhờn, mỡ nhờn, dầu madut cũng tăng lên 2.000 đồng/ lít (hiện tại là 900 đồng/lit).

So với đề xuất Chính phủ đưa ra hồi tháng 5 thì thuế môi trường với mặt hàng dầu hoả đã giảm một nửa, sau khi tiếp thu ý kiến góp ý của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Theo phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, nếu điều chỉnh loại thuế này mỗi năm ngân sách sẽ có thêm hơn 15.700 tỷ đồng, có nguồn để đầu tư, xử lý vấn đề môi trường. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị dự toán ngân sách năm 2019, khoản thu từ thuế môi trường sẽ được dùng chi cho bảo vệ môi trường.

Cùng quan điểm với phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, tiền thuế thu môi trường phải đưa vào ngân sách và phải chi lại cho bảo vệ môi trường. Có như vậy người dân mới thấy sòng phẳng chứ không phải “thu chỗ này chi cho chỗ khác".

Đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu đã từng được Chính phủ đưa ra tại cuộc họp giữa tháng 7 nhưng thảo luận sau đó các ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chưa thống nhất thông qua do lo ngại việc tăng thuế các mặt hàng này trong năm nay sẽ tác động, làm tăng lạm phát. Vì vậy cơ quan thường trực Quốc hội đề nghị Chính phủ chuẩn bị kỹ hơn để trình xem xét, quyết định tại phiên họp sau. Tại phiên thảo luận lần này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, báo cáo đánh giá tác động bổ sung của Chính phủ đã đầy đủ hơn.

Trước đó, tại dự thảo Nghị quyết gửi lấy ý kiến, Bộ Tài chính đề nghị thuế bảo vệ môi trường đối với xăng tăng từ 3.000 đồng/lít lên mức trần 4.000 đồng/lít, tăng 1.000 đồng/lít; Dầu mazut, dầu nhờn tăng từ 900 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít, tăng 1.100 đồng/lít; Mỡ nhờn tăng từ 900 đồng/kg lên mức trần 2.000 đồng/kg; Nhiên liệu bay, dầu hỏa giữ như hiện hành là 3.000 đồng/lít đối với nhiên liệu bay (mức trần) và 300 đồng/lít đối với dầu hỏa (mức sàn).

Theo Bộ Tài chính, việc tăng thuế bảo vệ môi trường sẽ khuyến khích sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả; góp phần khuyến khích sản xuất, tiêu dùng hàng hóa thân thiện với môi trường (như xăng dầu sinh học - xăng E5, E10, dầu diesel B5, B10, túi ni lông thân thiện với môi trường). Từ đó, sẽ giảm phát thải ô nhiễm môi trường, đảm bảo phát triển kinh tế bền vững, phát triển kinh tế đi liền giảm ô nhiễm môi trường và thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo vệ môi trường.

Nguồn tin: toquoc.vn

ĐỌC THÊM