|
Thuế đã hạ, giá dầu thế giới không cao nhưng các DN xăng dầu vẫn kêu đang lỗ. Ảnh: VNN. |
Ai cũng hy vọng giá bán lẻ xăng dầu sẽ giảm, nhất là trong bối cảnh cần kích thích tiêu dùng nhưng trao đổi về vấn đề này, các DN xăng dầu lại thông báo thực trạng hoàn toàn trái ngược.
Nhiều loại hàng hóa cơ bản như giá than, giá gas, giá điện đã hoặc sẽ tăng giá. Người tiêu dùng chỉ còn hy vọng giá bán lẻ xăng dầu sẽ giảm xuống nhưng hy vọng này lại khó trở thành hiện thực.
Lỗ 1.000đ/lít xăng?
Giá dầu thế giới thời gian qua có phiên đã xuống dưới 35USD/thùng. So với lúc đỉnh điểm 147USD/thùng hồi tháng 7/2008 thì giá dầu thô trên thế giới đã giảm từ 73%- 77% trong khi giá bán lẻ xăng dầu trong nước chỉ giảm 42%.
Trong 2 tháng qua, giá dầu thô đã liên tục rớt sâu và duy trì mức trên dưới 40USD/thùng. Mức giá xăng 11.000đồng /lít hiện nay (từ 8/12/2008)tương ứng với giá xăng hồi tháng 3/2007. Thời điểm này, giá dầu thô là 60USD/thùng. Tuy thuế, phí đối với xăng dầu có cao lên nhưng có thể nói, việc giữ giá im lìm này của các doanh nghiệp (DN) xăng dầu đã gây phản cảm đối với người tiêu dùng
Ai cũng hy vọng giá bán lẻ xăng dầu sẽ giảm, nhất là trong bối cảnh cần kích thích tiêu dùng nhưng trao đổi về vấn đề này, các DN xăng dầu lại thông báo thực trạng hoàn toàn trái ngược. Ông Vương Đình Dung, Phó Tổng Giám đốc Công ty xăng dầu Quân đội cho biết, trung bình trong hơn 20 ngày qua, giá dầu thô trên thế giới đã tăng lên mức 50USD/thùng và có lúc suýt soát ngưỡng 60USD/thùng. Việc đàm phán mua dầu đang rất khó khăn.
Do đó, trong khoảng nửa tháng nay, mặt hàng xăng doanh nghiệp của ôngbị lỗ tới 1.000 đồng /lít. Mặt hàng dầu chỉ lãi vài trăm đồng mỗi lít. Động thái giảm thuế nhập khẩu xăng 5% của Bộ Tài chính hôm 22/1 vừa qua thực chất là nhằm giảm lỗ cho DN.
Đánh giá về chính sách thuế hiện nay, ông Dung cho rằng, nguồn thu cho Ngân sách Nhà nước cũng cần được ưu tiên để đảm bảo kế hoạch thu chi quốc gia. Do đó, mức thuế nhập khẩu xăng 35% có thể chấp nhận được. Hơn nữa, đối tượng mặt hàng xăng chủ yếu là xe máy và ôtô du lịch. Việc đánh thuế cao cũng nhằm kích thích người tiêu dùng phải tiết kiệm chi tiêu. Trước mắt, doanh nghiệp này chấp nhận chịu lỗ 1.000đ/lít xăng.
Quan điểm của Công ty Xăng dầu Quân đội là sẽ bám sát thị trường. Kinh doanh theo thị trường sẽ tuỳ từng giai đoạn, có thời điểm DN có lãi, có lúc phải chịu lỗ, miễn sao kết quả cuối năm kinh doanhcó hiệu quả", ông Dung nói.
Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Ngọc Bảo, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xuất nhập khẩu xăng dầu Việt Nam (Petrolimex)khẳng định, mặt hàng xăng của DN này cũng đang lỗ vài trăm đồng/lít (ít nhất là 300đồng/lít). DN chưa có kế hoạch điều chỉnh giảm giá xăng trong đầu năm nay.
Mặc dù, cơ cấu giá xăng dầu vẫn thường nằm trong vòng "bí mật kinh doanh" của các DN song theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay, co cấu hình thành giá xăng bao gồm 35% thuế nhập khẩu xăng, 10% thuế tiêu thụ đặc biệt, 10% thuế giá trị gia tăng, trích 1.000đồng/lít để trả nợ Ngân sách tạm ứng bù lỗ, trích 1.000 đồng phí xăng, chi phí kinh doanh 500đồng /lít , lợi nhuận định mức là 150đồng /lít, trích lập Quỹ bình ổn giá là 500đồng /lít và trả chi phí hoa hồng cho đại lý bán lẻ xăng dầu là 580đ/lít.
Với cơ cấu này, nếu như giá dầu thô là 50USD/thùng thì giá xăng trên 11.900 đồng/lít, nếu giá dầu thô là 40USD thì giá xăng là 10.300đồng /lít, giá dầu thô 35USD thì mức giá xăng tương ứng vào khoảng 9.400đồng /lít và giá dầu thô 30USD thì giá xăng khoảng 8.600đồng/lít. Như vậy, DN nhập dầu thô được các giá trên thì chắc chắn, các DN xăng dầu vẫn lãi ít nhất là 1.500đ/lít.
Giảm giá là cách phục hồi thị trường tốt nhất
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam cho biết, giá xăng hiện nay đã được giữ quá lâu trong khi giá dầu thô trên thế giới đã giảm rất nhanh. Dường như, Nhà nước vẫn để cho ngành xăng dầu một mức siêu lơi nhuận khi mà cả nền kinh tế đang bị suy giảm. Là nhiên liệu đầu vào quan trọng, nếu giá xăng dầu giảm, không chỉ cước vận tải giảm mà giá nhiều loại mặt hàng sẽ được kéo xuống. Điều đó hết sức có ý nghĩa trong bối cảnh cần kích cầu tiêu dùng hiện nay.
Ông Hùng cũng chia sẻ, Chính phủ nên có chỉ đạo mạnh mẽ tới ngành này. Cơ chế thị trường vẫn cần sự quản lý, giám sát của Nhà nước. Chẳng hạn, tại sao chúng ta không công khai rõ các các kịch bản giá tương ứng như nếu giá dầu thô thế giới tăng 50USD thì giá trong nước sẽ giảm bao nhiêu, giá dầu xuống 40USD thì giá trong nước cần giảm thế nào?
Ông Hùng cho hay, giá xăng dầu chiếm tới 40-45% chi phí vận tải. Nếu giá xăng dầu giảm thêm từ 1.000-2.000đồng/lít thì chắc chắn giá cước sẽ giảm mạnh.
Chia sẻ nỗi bức xúc này, ông Vương Đình Dung nhấn mạnh: "Khác với mặt hàng xăng, DN ủng hộ việc giá dầu nên giảm thấp hơn nữa. Dầu là đầu vào trực tiếp của nhiều ngành sản xuất. Việc giảm giá dầu sẽ có tác dụng kích cầu đầu tư, sản xuất, góp phần giảm giá thành, kéo giá các mặt hàng xuống."
"Tuy nhiên, với mức thuế nhập khẩu tới 25% cho dầu hiện nay thì DN lãi rất ít. Nếu DN giảm giá dầu thì chỉ có lỗ. Nói cách khác, giá dầu chỉ có thể giảm nếu như Nhà nước giảm thuế nhập khẩu xuống. Nếu thuế giữ nguyên thì sẽ không có chuyện giảm giá"- ông Dung nói thêm.
HIện nay, DN xăng dầu cũng đang phải đối mặt với việc giảm mạnh sản lượng tiêu thụ trên thị trường. Tháng 1/2009, lượng tiêu thụ xăng dầu đã giảm tới 20% so với quí 4/2008.
Vấn đề đặt ra là cần giảm thuế nhập khẩu dầu bao nhiêu thì DN có thể giảm giá dầu? Trả lời câu hỏi này,ông Dung nói rằng nếu điều chỉnh hạ từ 5-10% thuế thì sẽ có tác dụng ngay tới việc giảm giá nhưng mức điều chỉnh đó phải được áp dụng tức thì. Nếu chờ tháng sau mới áp dụng giảm thuế và khi đó, giá dầu thô thế giới lại tăng thì coi như chính sách thuế không còn tác dụng nữa.
(Kinh tế và đô thị)